Động lực tăng trưởng mới từ kinh tế số - Bài cuối: Mang nền tảng số đến từng người dân

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn từng nhấn mạnh: "Chuyển đổi số phải bắt đầu từ công dân số, do đó cần xây dựng lớp công dân số mới nhằm bảo đảm hiệu quả của chuyển đổi số bền vững. Bởi từ công dân số sẽ có xã hội số, từ xã hội số mới có nhu cầu số, từ nhu cầu số mới có thị trường số, rồi có doanh nghiệp số và kinh tế số".

Chú thích ảnh
Du khách quét mã QR Code tại Đền thờ Lê Văn Thịnh, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh minh họa: Thanh Thương/TTXVN

Nghị quyết phê duyệt "Đề án Chuyển đổi số tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2024-2030" do HĐND tỉnh Bắc Ninh ban hành mới đây đã đặt ra mục tiêu  đến năm 2030, Bắc Ninh trở thành “Thành phố vì tương lai”, tiên phong sử dụng công nghệ số và dữ liệu để nâng cao hiệu quả quản trị xã hội, cải thiện chất lượng cuộc sống của nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội nhanh và bền vững. Với quan điểm đó, Bắc Ninh đã và đang thay đổi tư duy trong triển khai chuyển đổi số. 

Chợ dân sinh không dùng tiền mặt

Thanh toán không dùng tiền mặt tại các chợ dân sinh đang là một trong những mô hình thực hiện chuyển đổi số do Sở Công Thương tỉnh Bắc Ninh triển khai hiệu quả. Cuối năm 2022, Sở Công Thương Bắc Ninh đã phối hợp Viettel Bắc Ninh triển khai thí điểm cách thức giao dịch -  thanh toán không dùng tiền mặt tại 3 chợ gồm: chợ Nam Sơn (thành phố Bắc Ninh); chợ thị trấn Chờ (huyện Yên Phong); chợ Giầu (thành phố Từ Sơn); tuyên truyền các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt đến người dân.

Theo đó, nhiều tiểu thương kinh doanh tại chợ đăng ký tài khoản ở ngân hàng, tải ứng dụng Viettel Money trên điện thoại thông minh để sở hữu mã QR cho tài khoản cá nhân. Mô hình này bước đầu tạo chuyển biến về chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh, mang lại những tiện ích thiết thực cho người dân.

Chợ Giầu là trung tâm kinh doanh sầm uất của thành phố Từ Sơn. Bước chân vào chợ, từ bà bán rau cho đến chị bán thịt, gian hàng nào cũng có 1 mã QR được in và ép plastic cẩn thận, dán ngay vị trí bán hàng để người mua dễ dàng thanh toán tiền.

Chị Ngô Thanh Mai, người dân ở chợ Giầu cho biết, từ khi triển khai thanh toán không dùng tiền mặt, người đi chợ không phải trực tiếp mang tiền đến thanh toán cho người bán như trước đây. Thay vào đó, chỉ cần chiếc điện thoại thông minh với một vài thao tác đơn giản là có thể mua được hàng. Thậm chí, có lúc ngồi một chỗ chỉ cần "click" chuột cũng có thể mua được món hàng từ xa mà không cần di chuyển. Đây là hình thức thanh toán rất thuận tiện, không chỉ nhanh chóng mà còn hạn chế được các tình trạng mất cắp, rơi tiền.  

Chị Nguyễn Thị Linh, tiểu thương chợ Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh cũng cho hay, nhờ phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, các tiểu thương bán hàng không lo bị nhầm lẫn lúc đông khách. Ngoài ra, phương thức này cũng khắc phục được tình trạng tiền giả, người bán hàng không còn phải lo lắng đã kiểm đếm đúng, đủ tiền hay chưa. Bởi vì các ứng dụng thanh toán cho phép người dùng nhập số tiền chính xác đến từng đồng. 

Theo nhận định của Sở Công Thương tỉnh Bắc Ninh, việc thanh toán không dùng tiền mặt tại các chợ triển khai thí điểm phù hợp xu hướng phát triển của tiêu dùng thông minh, giúp nâng cao tính chính xác, thuận tiện và nhanh chóng trong từng giao dịch. Qua đó, góp phần giảm việc thanh toán bằng tiền mặt tại các chợ truyền thống, từng bước xây dựng chợ văn minh, hiện đại. 

Sở Công Thương Bắc Ninh tiếp tục nhân rộng mô hình thanh toán không dùng tiền mặt tại các chợ trong toàn tỉnh; tuyên truyền, hướng dẫn người dân các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt, giúp tiết kiệm thời gian và công sức chờ đợi thanh toán.

Hiện nay hầu hết các cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đều có hình thức thanh toán không dùng tiền mặt hoặc quét mã QR. Người dân cũng đã hiểu được những lợi ích mà thanh toán không dùng tiền mặt đem lại. Các cửa hàng, quán cafe, nhà hàng đã chuẩn bị sẵn những thiết bị cần thiết để người tiêu dùng có thể thanh toán bằng nhiều phương thức khác nhau. Điều này giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho cả người bán và người mua.

Sớm hoàn thiện các điều kiện hình thành công dân số 

Để đáp ứng xu thế hiện nay, ngân hàng điện tử chính là người bạn đồng hành của các công dân số. Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng được xây dựng, tiếp cận theo hướng đặt người dân, khách hàng ở vị trí trung tâm. Với những nỗ lực đó, chuyển đổi số ngành ngân hàng gặt hái nhiều thành công. Các dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là dịch vụ thanh toán điện tử có tốc độ số hóa, tăng trưởng nhanh. Nhiều nghiệp vụ ngân hàng được số hóa toàn diện 100%; ghi nhận tỷ lệ hơn 90% giao dịch của khách hàng được thực hiện qua kênh số.

Tại Bắc Ninh, hoạt động thanh toán mua sắm hàng hóa, vật tư nông nghiệp đầu vào; hoạt động kết nối xuất khẩu nông sản thông qua các trang thương mại điện tử, hoạt động thanh toán chi trả học phí, viện phí… trở nên phổ biến, được nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân áp dụng.

Toàn tỉnh Bắc Ninh hiện có 100% trường đại học, cao đẳng trên địa bàn chấp nhận thanh toán học phí qua ngân hàng; 100% bệnh viện cấp tỉnh đã triển khai thanh toán viện phí qua ngân hàng; 100% các chi nhánh trực thuộc Công ty Điện lực Bắc Ninh chấp nhận thanh toán hóa đơn tiền điện qua ngân hàng; 100% đơn vị cấp nước trong tỉnh chấp nhận thanh toán hóa đơn tiền nước qua ngân hàng; tỷ lệ chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội một lần thực hiện qua ngân hàng về số lượt người và về giá trị chi trả đạt trên 75%.

Tỉnh Bắc Ninh đặt mục tiêu từ nay đến năm 2030, trên 80% người trong độ tuổi lao động có tài khoản thanh toán điện tử. Đồng thời, tuyên truyền, hỗ trợ người dân tham gia các hoạt động trên môi trường số một cách sâu rộng như sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, mua bán trực tuyến.

Bên cạnh đó, Bắc Ninh đang triển khai hiệu quả việc thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06). Theo đó, 100% UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh đã thành lập mô hình “Dịch vụ công trực tuyến”, bảo đảm tất cả người dân được tiếp cận, sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Hiện tất cả các sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã thực hiện số hóa hồ sơ.

Tỉnh đang đẩy mạnh số hoá hồ sơ, tài liệu và hình thành các kho dữ liệu điện tử, ứng dụng các phần mềm khai thác; từng bước cung cấp dữ liệu mở nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, doanh nghiệp, người dân tiếp cận, khai thác thông tin.

Ngoài ra, Bắc Ninh cũng đang hướng tới triển khai cấp chữ ký số miễn phí cho người dân, doanh nghiệp để tiếp cận các dịch vụ công, thủ tục hành chính được nhanh hơn, thuận tiện hơn. Đồng thời, đảm bảo pháp lý trong giao dịch dịch vụ công trực tuyến cũng như giao dịch khác giữa người dân, doanh nghiệp, từ đó sớm hoàn thiện các điều kiện hình thành công dân số trên địa bàn tỉnh.

Với các giải pháp cụ thể, quyết liệt, cùng với sự tham gia của các cấp, các ngành và đặc biệt là chủ trương đặt người dân vào trọng tâm của Đề án Chuyển đổi số giai đoạn 2024-2030, Bắc Ninh đang từng bước hướng tới mục tiêu trở thành thành phố tiên phong sử dụng công nghệ số,  xứng tầm với sự phát triển nhanh và bền vững của cực tăng trưởng của vùng Thủ đô và vùng trọng điểm kinh tế Bắc Bộ.

Đỗ Huyền (TTXVN)
Động lực tăng trưởng mới từ kinh tế số - Bài 2: Thúc đẩy kinh tế số nông nghiệp, nông thôn 
Động lực tăng trưởng mới từ kinh tế số - Bài 2: Thúc đẩy kinh tế số nông nghiệp, nông thôn 

Chuyển đổi số hứa hẹn mang đến nhiều lợi ích như cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận tối đa các khách hàng tiềm năng trong cùng một khoảng thời gian.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN