Đồng Tháp: Xuất hiện ổ dịch lở mồm long móng

Hiện nay, tại xã Tân Công Chí, huyện biên giới Tân Hồng (tỉnh Đồng Tháp) xuất hiện ổ dịch lở mồm long móng trên đàn bò khiến nhiều con đã chết.

Trước tình hình hình này, chính quyền địa phương và ngành chức năng đang tăng cường công tác phòng, chống bệnh lở mồm long móng trên đàn gia súc, tránh bùng phát, lây lan diện rộng. 

Chú thích ảnh
Đàn bò của anh Giang Văn Lý ở xã Tân Công Chí, huyện Tân Hồng (Đồng Tháp), bị bệnh lở mồm long móng; trong đó, 3 con đã bị chết.

Hàng ngày, đàn bò 15 con của anh Giang Văn Lý ở xã Tân Công Chí được chăn thả ngoài đồng ruộng, đến tối, nhốt chung trong chuồng. Anh Lý cho biết, hơn một tuần trước, đàn bò của anh bị chết một con bê (bò con). Thấy vậy, anh không thả bò ngoài đồng nữa mà nuôi nhốt trong chuồng để phòng bệnh lở mồm long móng. Tuy nhiên, sau đó trong cùng một ngày, đàn bò tiếp tục chết thêm 2 con nữa. Khi đó, anh mới phát hiện đàn bò của mình đã mắc bệnh lở mồm long móng với các triệu chứng như chảy nước mũi, nước dãi, viêm và hở móng, thể trạng bò ngày càng gầy, đi lại không vững…

Đàn bò 17 con của anh Lưu Văn Tiền ngụ xã Tân Công Chí cũng nuôi thả ngoài đồng ruộng. Gần đây, ngay khi phát hiện đàn bò xuất hiện các triệu chứng của bệnh lở mồm long móng, anh Tiền đã liên hệ cơ sở kinh doanh thuốc thú y đến tiêm thuốc, hỗ trợ điều trị. Tuy nhiên, trong 2 ngày, đàn bò của anh đã chết 3 con (trị giá khoảng 30 triệu đồng).

Chú thích ảnh
Cán bộ thú y phát tờ rơi, tuyên truyền phòng, chống bệnh lở mồm long móng cho người chăn nuôi.

“Được sự hỗ trợ của nhân viên thú y xã Tân Công Chí, tôi thực hiện tiêu hủy 3 con bò đã chết để hạn chế lây lan bệnh. Các con còn lại được tích cực hỗ trợ điều trị nên đến nay, tình hình cơ bản ổn, dần bình phục sức khỏe”, anh Tiền cho hay.

Tổng đàn trâu, bò của xã Tân Công Chí hơn 1.500 con với 328 hộ nuôi. Cùng với anh Lý, anh Tiền, trên địa bàn xã này, nhiều hộ khác cũng có bò bị chết do mắc bệnh lở mồm long móng. Theo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Đồng Tháp, có 10 hộ nuôi bò ở xã Tân Công Chí với tổng đàn hơn 140 con xuất hiện triệu chứng của bệnh lở mồm long móng, trong đó có 14 con đã chết, đa số là dưới 8 tháng tuổi và từ 12 - 24 tháng tuổi. Các con bò chết có tổng trọng lượng khoảng gần 1 tấn, đã được tiêu hủy, sát trùng theo quy định.

Tổ trưởng Tổ Thú y huyện Tân Hồng Đỗ Thanh Ngọc cho biết, sau khi nhận được tin báo của người dân về việc bò chết, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng Tổ Thú y huyện, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp và UBND xã Tân Công Chí tiến hành kiểm tra, xác minh tình hình dịch bệnh. Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Đồng Tháp đã lấy mẫu, gửi xét nghiệm và kết quả cho thấy bò đã nhiễm vi rút lở mồm long móng. Đa số bò chết là bò con, chưa được tiêm vaccine phòng bệnh do chưa đến tuổi tiêm phòng.

Ông Đỗ Thanh Ngọc cho biết thêm, ngành thú y phối hợp cùng địa phương, nhân viên thú y của xã tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện cách ly những con bò mắc bệnh; tích cực theo dõi, chăm sóc kỹ đàn bò; tiêm thuốc, bôi thuốc hỗ trợ điều trị bệnh; tiêu độc, sát trùng chuồng trại… Đến nay, tình hình bệnh lở mồm long móng trên đàn bò tại xã Tân Công Chí cơ bản ổn. Một số hộ có bò còn mắc bệnh nhưng đã giảm nhiều về triệu chứng.

Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh cây trồng, vật nuôi tỉnh Đồng Tháp, từ đầu năm 2023 đến nay, đây là ổ dịch bệnh lở mồm long móng đầu tiên xảy ra trên địa bàn tỉnh, do một số nguyên nhân như: các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chưa quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng và áp dụng tốt chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học; gần đây, thời tiết trong ngày rất khắc nghiệt, nắng mưa thay đổi đột ngột làm suy giảm sức đề kháng của bò, tạo điều kiện thuận lợi cho vi rút lở mồm long móng xâm nhập. Ngoài ra, chăn nuôi theo phương thức thả rong ngoài đồng ruộng, không có biện pháp kiểm soát dịch bệnh; nguồn thức ăn, nước uống, chuồng trại chưa đảm bảo vệ sinh thú y…

Ông Nguyễn Văn Vũ Minh, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh cây trồng, vật nuôi tỉnh Đồng Tháp đánh giá, bệnh lở mồm long móng là loại bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm do vi rút gây ra trên động vật móng guốc chẵn như trâu, bò, heo... Bệnh lây theo đường tiêu hóa và hô hấp qua nhiều con đường khác nhau do thức ăn, nước uống có nhiễm mầm bệnh, hít thở không khí có mầm bệnh, tiếp xúc trực tiếp giữa động vật đang mắc bệnh với động động chưa mắc bệnh… Vì vậy, trong thời gian tới, dịch bệnh lở mồm long móng có khả năng lây lan trên diện rộng.

Chú thích ảnh
Móng chân của bò bị hở vì mắc bệnh lở mồm long móng.

Để hạn chế lây lan cũng như thiệt hại vì bệnh lở mồm long móng, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh cây trồng, vật nuôi tỉnh Đồng Tháp khuyến cáo, người chăn nuôi thực hiện quy trình chăn nuôi an toàn sinh học; mua con giống khỏe, biết rõ nguồn gốc từ vùng không có dịch bệnh; chuồng trại phải đảm bảo vệ sinh thú y, thường xuyên quét dọn sạch sẽ, định kỳ tiêu độc, khử trùng. Kết hợp chăm sóc nuôi dưỡng tốt, khẩu phần thức ăn gia súc phải đầy đủ thành phần dinh dưỡng cần thiết cho từng giai đoạn phát triển.

Bên cạnh đó, tuân thủ nghiêm quy trình tiêm phòng bắt buộc vaccine lở mồm long móng; nuôi cách ly gia súc mắc bệnh. Đồng thời, người chăn nuôi phải thực hiện tốt 5 không: không giấu dịch bệnh; không bán chạy gia súc bị bệnh; không vận chuyển gia súc và sản phẩm gia súc bị bệnh; không ăn thịt gia súc bệnh, chết hoặc không rõ nguồn gốc; không vứt xác gia súc chết ra ngoài môi trường xung quanh, phải tiêu hủy theo quy định.

Tin, ảnh: Nhựt An (TTXVN)
Đồng Tháp: Xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép gia súc qua biên giới
Đồng Tháp: Xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép gia súc qua biên giới

Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp vừa có Công văn gửi các đơn vị liên quan về ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép lợn qua biên giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN