Giảm phát thải nhà kính trong sản xuất lúa

Ngày 14/12, tại thành phố Cần Thơ, Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã công bố Quy trình kỹ thuật cơ giới hóa gieo sạ tăng hiệu quả và giảm phát thải nhà kính trong sản xuất lúa vùng đồng bằng Sông Cửu Long (gọi tắt là Quy trình).

Chú thích ảnh
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam phát biểu tại Hội thảo.

Quy trình gồm các hướng dẫn kỹ thuật gieo sạ theo hàng hoặc theo cụm bằng máy ở đồng bằng sông Cửu Long; một số chú ý về làm đất, chuẩn bị giống, bón phân tương thích với cơ giới hoá sạ hàng và sạ cụm. Tùy theo biện pháp cơ giới hóa, áp dụng mật độ sạ không quá 80 kg/ha; đối với sạ hàng hoặc sạ cụm không quá 60 kg/ha. 

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam để ứng phó với biến đối khí hậu, hiện nay, ngành nông nghiệp đang tích cực áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Trong lĩnh vực trồng trọt, một số biện pháp canh tác lúa đã được triển khai như: mở rộng việc áp dụng công nghệ tưới khô ướt xen kẽ (AWD) và canh tác lúa cải tiến (SRI), "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm" và rút nước giữa vụ trong canh tác lúa nước phù hợp với từng vùng sinh thái nông nghiệp.

Việt Nam đã cam kết xây dựng hình ảnh nông nghiệp trở thành nhà sản xuất và cung cấp lương thực thực phẩm minh bạch - trách nhiệm - bền vừng cùng với cộng đồng quốc tế. Theo đó, Việt Nam sẽ thực hiện chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm theo hướng "xanh", ít phát thải và bền vững.

Việt Nam cũng đã cam kết mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 26 năm 2021 (COP26) về việc đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050; trong đó có nội dung liên quan chặt chẽ về giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp và hướng tới nền nông nghiệp phát triển bền vững.

Chú thích ảnh
Công bố Quy trình kỹ thuật cơ giới hóa gieo sạ tăng hiệu quả và giảm phát thải nhà kính trong sản xuất lúa vùng đồng bằng Sông Cửu Long.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Để án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long" với mong muốn từng bước chuyển đổi căn bản hệ thống sản xuất canh tác lúa đồng bằng sông Cửu Long theo hướng sản xuất bền vừng. Vấn đề giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa đang được các địa phương quan tâm và nỗ lực thực hiện. Việc nghiên cứu và áp dụng các giải pháp nông học thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu đang là xu hướng và nhận được nhiều quan tâm trong lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam.

Đặc biệt, Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) đã cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho ngành nộng nghiệp Việt Nam với nhiều giải pháp cụ thể như cải tiến giống, bảo tồn đa dạng nguồn gen lúa gạo, phát triển hệ thống canh tác bền vững và hướng tới nền nông nghiệp thích ứng với biển đổi khí hậu và giảm phát thái khí nhà kính.

Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất lúa trọng điểm của cả nước với sản lượng lúa thu hoạch mỗi năm khoảng 24 triệu tấn. Trong những năm gần đây, canh tác lúa ở đồng bằng sông Cửu Long đã thay đổi theo hướng bền vững hơn, giảm lượng vật tư đầu vào và giảm phát thải khí nhà kính thông qua việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như: "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm", thiết bị bay không người lái, máy gặt đập liên hợp.

Tuy nhiên, hiện nay khâu xuống giống ở đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn hơn 70% áp dụng sạ lan thủ công hoặc máy phun hạt. Thực hành sạ lan không đồng đều dẫn đến cần nhiều giống hơn (thường trên 120 kg/ha), sử dụng nhiều phân bón hơn, trong khi sức khỏe cây lúa giảm, dễ bị sâu bệnh hại nên áp dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật hơn. Ngoài ra, lúa ở giai đoạn thu hoạch dễ bị đổ ngã, gây tổn thất cao trong thu hoạch và xử lý chế biến sau thu hoạch.

Từ thực trạng trên được Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế hỗ trợ, Cục Trồng trọt xây dựng “Quy trình kỹ thuật cơ giới hóa gieo sạ tăng hiệu quả và giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa ở đồng bằng sông Cửu Long”.

Chú thích ảnh
Các chuyên gia thảo luận về các giải pháp nông học thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu ở Việt Nam.

Dịp này, Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế cũng tổ chức hội thảo các giải pháp nông học thích ứng biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính nhằm chia sẻ các đổi mới sáng tạo và giải pháp nông học, nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính và các tác động đối với ngành sản xuất lúa gạo Việt Nam. Đồng thời, ra mắt Sổ tay hướng dẫn cơ giới hóa gieo sạ tăng hiệu quả và giảm phát thải nhà kính trong sản xuất lúa vùng đồng bằng Sông Cửu Long.

Ngoài ra, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trao bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho các tổ chức, đơn vị đã có những thành tích xuất sắc, đóng góp tích cực, hiệu quả vào sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam.

Tin, ảnh: Thu Hiền (TTXVN)
Xây dựng hệ sinh thái chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo xanh, sạch và bền vững
Xây dựng hệ sinh thái chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo xanh, sạch và bền vững

Chiều 13/12, tại tỉnh Hậu Giang, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang đồng tổ chức Hội thảo quốc tế “Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo về lúa gạo”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN