Quảng Ninh đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế

Trong quá trình phát triển, Quảng Ninh đã thực hiện nhiều giải pháp hiệu quả, đồng bộ, nhằm đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, mang lại cơ hội phát triển tới với các doanh nghiệp địa phương và thêm động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Chú thích ảnh
Cao tốc Vân Đồn – Móng Cái nối thẳng tới Cầu Bắc Luân 2, cửa ngõ chính ra cửa khẩu Móng Cái.

Huy động nguồn lực cho phát triển

Những năm qua, nền kinh tế của Quảng Ninh liên tục tăng trưởng cao và ổn định, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) dự kiến năm 2023 tăng 11%. Quy mô nền kinh tế tăng nhanh, dự kiến năm 2023 đạt 312.400 tỷ đồng, tăng 1,5 lần so với năm 2020 và 2,7 lần so với năm 2015. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân tăng 14%/năm, trong đó năm 2021 đạt 350,8 triệu đồng/người; năm 2022 đạt 405,4 triệu đồng/người; dự kiến năm 2023 đạt 458,8 triệu đồng/người.

Với vị trí chiến lược về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh đối ngoại và tiềm năng thế mạnh về phát triển kinh tế - xã hội, việc mở cửa và đẩy mạnh quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đã giúp Quảng Ninh có điều kiện huy động được những nguồn lực từ bên ngoài, từ đó góp phần đạt được một số kết quả quan trọng. Nổi bật là giai đoạn 2013-2023 (tính đến tháng 7/2023), Quảng Ninh đã thu hút được 123 dự án FDI tới từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đang thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 6,2 tỷ USD.

Để đạt được những kết quả đó, tỉnh Quảng Ninh đã đẩy mạnh tuyên truyền hoạt động hợp tác song phương và đa phương thông qua các hoạt động thương mại, xúc tiến hợp tác phát triển kinh tế; cung cấp thông tin về kinh tế - xã hội, môi trường đầu tư, kinh doanh. Đồng thời, tích cực quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp, hàng hóa của tỉnh tới cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế thông qua việc tham gia các hội chợ thương mại ở các tỉnh, thành phố và nước ngoài. 

Đặc biệt, tỉnh cũng luôn chú trọng và tăng cường mở rộng hợp tác với các địa phương trên cả nước và nước ngoài; thực hiện các hiệp định thương mại tự do FTA, tạo cơ hội cho mở rộng không gian kinh tế, thúc đẩy kinh tế đối ngoại phát triển.

Tỉnh cũng xác định liên kết vùng là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển, tăng cường phối hợp khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế của 4 địa phương dọc theo trục đường cao tốc phía Đông Hà Nội - Hải Phòng - Móng Cái, trọng tâm là lĩnh vực du lịch, dịch vụ. Năm 2022, tỉnh Quảng Ninh đã khánh thành cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, qua đó khép kín tuyến cao tốc từ Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái.

Quảng Ninh cũng cụ thể hóa chuỗi kết nối hàng loạt khu công nghiệp, các đô thị… nối liền 3 sân bay quốc tế (Nội Bài, Cát Bi, Vân Đồn) và hệ thống các cảng biển quốc tế; hình thành vùng kinh tế có hạ tầng giao thông tốt nhất cả nước, chuỗi kinh tế hỗ trợ để cùng phát triển; hình thành cộng đồng doanh nghiệp mạnh, tạo không gian phát triển mới; mở ra cửa ngõ giao thương của Việt Nam, Đông Á - Đông Nam Á, ASEAN với Trung Quốc, Khu vực hợp tác “hai hành lang một vành đai kinh tế” Việt - Trung.

Bên cạnh đó, góp phần thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh giữa vùng núi, biên giới Đông - Tây Bắc với vùng Duyên hải và Đồng bằng sông Hồng…

Cùng với đó, triển khai có hiệu quả việc Hợp tác hành lang kinh tế giữa 5 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lào Cai (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc) có hiệu quả, trong đó chú trọng đến hợp tác đầu tư, thương mại, du lịch, cảng biển, logistics,…

Chú thích ảnh
Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), một trong những điểm đến hấp dẫn du khách. Ảnh: TTXVN.

Thiết lập quan hệ kinh tế thương mại đa phương

Đến nay, tỉnh Quảng Ninh thiết lập quan hệ đối ngoại với 15 địa phương nước ngoài, có quan hệ kinh tế thương mại với trên 70 quốc gia, vùng lãnh thổ và với nhiều tổ chức, diễn đàn khu vực và quốc tế, trong đó nổi bật như: Diễn đàn du lịch Liên khu vực Đông Á (EATOF), Hội nghị hợp tác hai hành lang - một vành đai Việt Nam - Trung Quốc; Câu lạc bộ các vịnh đẹp thế giới; Tam giác Di sản Udonthani (Thái Lan) - Luangprabang (Lào) và Quảng Ninh (Việt Nam).

Đồng thời, tổ chức nhiều đoàn tham gia các hội chợ, triển lãm nước ngoài, như: Hội chợ thương mại ASEAN - Trung Quốc; Hội chợ thương mại biên giới Trung - Việt; Hội chợ OCOP thường niên... nhằm mở rộng hoạt động giao lưu quốc tế với các nước trong khối ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Nhận thức được rõ vai trò, tầm quan trọng của công tác hội nhập quốc tế, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục chú trọng thu hút, đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, các siêu thị, trung tâm thương mại; khai thác, phát huy hiệu quả hoạt động xuất, nhập khẩu, thương mại qua cửa khẩu, cảng biển, dịch vụ cảng biển; đẩy mạnh thực hiện các biện pháp nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách hành chính.

Đặc biệt, tỉnh cũng huy động các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình giao thông trọng điểm, hạ tầng số, đô thị thông minh và nông thôn mới kiểu mẫu; xây dựng đội ngũ nhân lực chuyên nghiệp, có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế và đổi mới mạnh mẽ tư duy, phương pháp tiếp cận trong triển khai, cụ thể hóa đường lối đối ngoại và hội nhập quốc tế…

Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của đối ngoại, hội nhập quốc tế đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong tình hình mới.

Thu Trang/Báo Tin tức
Gặp gỡ kết nối, giao thương các đại diện thương mại, kinh tế quốc tế
Gặp gỡ kết nối, giao thương các đại diện thương mại, kinh tế quốc tế

Chương trình “Gặp gỡ đại diện thương mại và kinh tế quốc tế tại Hà Nội” được tổ chức nhằm tăng cường kết nối, quan hệ hợp tác với các nước trên thế giới trong giai đoạn thành phố Hà Nội tập trung phục hồi kinh tế nhanh chóng sau đại dịch COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN