Tìm giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn cho sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL

Trong khuôn khổ Diễn đàn Phát triển bền vững Đồng bằng Sông Cửu Long, tầm nhìn 2045 (SDMD 2045), ngày 22/3, Trường Đại học Cần Thơ phối hợp cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Tọa đàm “Công nghệ thực phẩm: Sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long” theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Chú thích ảnh
Giáo sư, Tiến sĩ Hà Thanh Toàn, Ban chỉ đạo SDMD 2045 phát biểu tại Tọa đàm. 

Tọa đàm thu hút sự tham gia, đóng góp ý kiến của khoảng 400 chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp trong và ngoài nước, các sở, ngành, xoay quanh nhận diện điểm nghẽn và đề xuất giải pháp nhằm nâng cao giá trị chuỗi sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông sản của Vùng.

Nhận diện “điểm nghẽn”

Giáo sư, Tiến sỹ Hà Thanh Toàn, Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tầm nhìn 2045 (SDMD 2045) cho rằng, ĐBSCL là vùng sản xuất và xuất khẩu lương thực, thực phẩm, thủy, hải sản và trái cây lớn nhất của cả nước; đóng góp khoảng 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu, gần 65% sản lượng thủy sản nuôi trồng, 60% lượng cá xuất khẩu và gần 70% các loại trái cây của cả nước. Đây cũng là khu vực có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt và nhiều vườn cây, rừng cây rộng lớn; nhiều khu dự trữ sinh quyển, vườn quốc gia, khu bảo tồn tự nhiên được công nhận là khu Ramsar của thế giới.

Lợi thế là vậy nhưng liên kết vùng trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản còn yếu. Liên kết chuỗi giá trị ngành hàng nông sản cũng bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, lỏng lẻo, do chưa có sự hài hòa về lợi ích giữa các bên liên quan trong chuỗi giá trị nông sản.

Theo ông Toshinao Tanaka (Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thực phẩm Takesho Việt Nam), ĐBSCL đã hình thành đa dạng các liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm như: liên kết theo chuỗi giá trị; liên kết ngành, cụm ngành hàng chủ lực; liên kết theo chuỗi sản xuất và chế biến; liên kết hướng đến thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước; liên kết vận tải - logistics và liên kết công nghệ thông tin.

Tuy nhiên, ông Toshinao Tanaka cho rằng, việc liên kết đó hiệu quả không cao, thiếu tính bền vững, vẫn còn tình trạng “bẻ kèo” hợp đồng khi giá cả thị trường thay đổi. Các hình thức liên kết còn lại chỉ dừng ở giai đoạn thử nghiệm. Do vậy, việc hình thành các chuỗi liên kết giá trị có tính chuyên nghiệp cao là rất cần thiết, làm hạn chế việc không đồng bộ về cung cầu, khắc phục tính dễ bị tổn thương, gây đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa. Trong đó, vai trò của hợp tác các bên như: Doanh nghiệp - Viện, Trường - Chính quyền - Người dân là vô cùng quan trọng. Ông Toshinao Tanaka nhấn mạnh vai trò định hướng chính sách, điều hướng thị trường và thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ hiện đại vào chuỗi sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông sản của chính quyền.

Các đại biểu đã nêu một hạn chế trong sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL là luôn thiếu hụt nguồn cung ứng giống cây trồng chất lượng, thiếu năng lực kỹ thuật, quản lý của người nông dân, cơ sở hạ tầng kỹ thuật nông nghiệp chưa được đầu tư đồng bộ. Chế biến và gia công sản phẩm nông nghiệp là khâu yếu nhất. Các nhà máy chế biến chưa đáp ứng được nhu cầu của nguồn nguyên liệu đến từ nông dân, gây lãng phí và giảm giá trị sản phẩm nông nghiệp.

Thêm vào đó, thiếu “nhạc trưởng” trong điều phối, định hướng chuỗi sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông sản vùng ĐBSCL cũng là một trong những điểm nghẽn. Do không có “nhạc trưởng", các tỉnh, thành phố, đơn vị trong Vùng mỗi nơi phát triển một kiểu; vận dụng, thực hiện và thiết lập chính sách khác nhau; trong đó, đa phần ít chú ý đến sự hỗ trợ các doanh nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp nhỏ. Điều này khiến cho “hệ sinh thái” không thể thực sự hình thành, hoặc không thể vận hành trơn tru.

Kiến nghị giải pháp

Đẩy mạnh liên kết Vùng là giải pháp căn cơ nhất mà các đại biểu đề cập đến. Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam kiến nghị các địa phương trong Vùng cần tăng cường liên kết trong các lĩnh vực đầu tư hạ tầng giao thông kết nối, đầu tư hệ thống cấp nước sinh hoạt; phòng, chống hạn, mặn, trữ ngọt, nạo vét luồng lạch…

Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam cho rằng, việc liên kết Vùng hiệu quả sẽ đồng thời tạo nên các vùng nguyên liệu tập trung, bảo đảm sản lượng và chất lượng nông sản, nhất là đối với các loại trái cây có thế mạnh của từng địa phương. Nông sản nhờ đó sẽ được sản xuất với quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao cho các vùng lúa, rau, cây ăn trái, dừa, vùng nuôi tôm, cá trọng điểm…, từ đó đưa ĐBSCL trở thành trung tâm sản xuất, chế biến cung ứng một số sản phẩm nông sản đặc sản, chất lượng cao, không chỉ cho thị trường trong nước mà còn cho xuất khẩu.

Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thanh Phương, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Cần Thơ cho rằng, vai trò “nhạc trưởng” của Cần Thơ trong vùng ĐBSCL đã được các cấp lãnh đạo Trung ương nhìn nhận, đã và đang ban hành một số chính sách, giải pháp khẩn thiết nhằm thúc đẩy chuỗi sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông sản cho Vùng. Trong đó, việc xúc tiến hành lập Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tại thành phố Cần Thơ được coi là động lực thúc đẩy phát triển vùng ĐBSCL.

Trung tâm liên kết được xác định sẽ trở thành “Một điểm đến, đa dịch vụ” góp phần hình thành chuỗi sản xuất liên kết gắn nhà nông, nhà sản xuất (thương nhân, doanh nghiệp nông sản) và doanh nghiệp xuất, nhập khẩu; khuyến khích thiết lập mối liên kết giữa vùng sản xuất nguyên liệu với công nghiệp chế biến sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, góp phần gia tăng lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu và giá trị gia tăng của sản phẩm.

Trung tâm liên kết xây dựng tại Cần Thơ có diện tích 300 ha, được chia thành hai khu (Khu 1 rộng 50 ha tại quận Bình Thủy, Khu 2 rộng 250 ha tại huyện Cờ Đỏ) với 10 chức năng hoạt động. Để phát huy tốt hiệu quả, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thanh Phương cho rằng, Trung tâm này phải làm những dịch vụ mà các địa phương khác không có hoặc không thể làm như: hệ thống kho lạnh lớn, hiện đại, khép kín quy trình tiêu thụ nông sản; có dịch vụ logistics đường biển, đường hàng không để đáp ứng đa dạng nhu cầu của khách hàng.

Về "điểm nghẽn" nguồn nhân lực, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lý Nguyễn Bình, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm (Trường Đại học Cần Thơ) cho rằng, thành phố sẽ là đầu tàu, dẫn dắt để các địa phương trong Vùng chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu phát triển công nghệ, chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông - thủy sản cho ĐBSCL. Bên cạnh việc chung tay vào cuộc của các viện, trường trong công tác đào tạo nguồn nhân lực, các địa phương cần xây dựng cơ chế ưu đãi đủ mạnh đề thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về đây làm việc.

Bài và ảnh: Ánh Tuyết (TTXVN)
Chia sẻ nguồn nước để Đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững
Chia sẻ nguồn nước để Đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững

Ngày 21/3, Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường An Giang tổ chức Hội thảo “Quản lý, chia sẻ nguồn nước bền vững lưu vực sông Mê Kông Đồng bằng sông Cửu Long”, nhằm hưởng ứng Ngày Nước thế giới (22/3) và Ngày Khí tượng thế giới (23/3).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN