Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp Hà Nam

Tại Hà Nam, sau gần 2 năm triển khai thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã đạt được những kết quả bước đầu, góp phần thúc đẩy phát triển ngành nghề, chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn.

Chú thích ảnh
Sản phẩm sữa chua đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao cấp tỉnh của trang trại Mục Đồng, xã Trác Văn, thị xã Duy Tiên đã được khách hàng tin tưởng sử dụng. 

Trang trại Mục Đồng, xã Trác Văn, thị xã Duy Tiên có 2 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao cấp tỉnh là sữa tươi thanh trùng và sữa chua. Các sản phẩm này đều được chế biến từ nguồn sữa bò tươi của trang trại theo tiêu chí “năm không”: không nuôi bằng cám công nghiệp; không cho ăn các thực phẩm biến đổi gen; không tồn dư kháng sinh; không sử dụng kích thích tăng sữa và không sử dụng chất bảo quản.

Bà Nguyễn Thị Thịnh, chủ trang trại Mục Đồng cho biết, để được công nhận sản phẩm OCOP, trang trại đã đầu tư thêm các trang thiết bị, máy móc hiện đại để tạo ra sản phẩm chất lượng ngon hơn, mẫu mã đẹp hơn. Nhờ đó, việc tiêu thụ sản phẩm được thuận lợi hơn. Ngoài thị trường tiêu thụ trong tỉnh, trang trại đã thành công trong việc đưa sản phẩm vào một số cửa hàng bán lẻ ở nhiều tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Đà Nẵng, Nghệ An, Lào Cai…

Hiện nay, để việc tiêu thụ sản phẩm được thuận lợi hơn, trang trại mong muốn nhà nước tạo điều kiện cho đơn vị tham gia nhiều hơn các hội chợ, chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, được tiếp cận với những nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất.

Công ty TNHH mây tre xuất khẩu Ngọc Động Hà Nam (xã Hoàng Đông, thị xã Duy Tiên) chuyên sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, trang trí nội thất, phụ kiện trong nhà bếp, phòng tắm... từ mây, tre. Sản phẩm khay tròn mây đan của công ty đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao với 85,9 điểm (cao nhất trong số 18 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP tỉnh Hà Nam được công nhận năm 2019).

Chú thích ảnh
 Sản phẩm Khay tròn mây tre đan của Công ty TNHH Mây tre xuất khẩu Ngọc Động Hà Nam được tiêu thụ rộng rãi cả trong và ngoài nước. Ảnh: Nguyễn Chinh - TTXVN

Ông Nguyễn Xuân Mai, Giám đốc công ty TNHH mây tre xuất khẩu Ngọc Động Hà Nam cho biết, việc tham gia Chương trình OCOP đã giúp cho công ty TNHH mây tre xuất khẩu Ngọc Động cũng như nhiều cơ sở sản xuất khác tự nhìn nhận, đánh giá lại chất lượng các sản phẩm của mình, từ đó tìm các giải pháp để nâng cao chất lượng sản phẩm. Sau 3 năm, những sản phẩm OCOP sẽ được đánh giá lại để xếp hạng nên các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sẽ phải không ngừng đầu tư nâng cao chất lượng cũng như mẫu mã sản phẩm.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam, năm 2019, tỉnh Hà Nam có 18 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh; trong đó, có 8 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao và 10 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao. Các sản phẩm chủ yếu thuộc nhóm thực phẩm được chế biến từ nông sản, chỉ có 2 sản phẩm lưu niệm.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hà Nam có 35 làng nghề truyền thống, 30 làng nghề tiểu thủ công nghiệp và 98 làng có nghề tiểu thủ công nghiệp. Hoạt động sản xuất kinh doanh của làng nghề tập trung ở các ngành: thủ công mỹ nghệ, dệt may, chế biến lương thực, thực phẩm…

Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, một số xã cũng đã xác định được những mặt hàng nông sản chủ lực. Sự đa dạng về mẫu mã, chủng loại các sản phẩm làng nghề, nông sản chính là lợi thế để tỉnh Hà Nam thực hiện chương trình OCOP.

Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nam cho biết, chương trình OCOP hướng tới mục tiêu phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh để sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Từ đó, góp phần nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí kinh tế và tổ chức sản xuất trong xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn hợp lý, bảo vệ môi trường, giữ gìn những giá trị truyền thống.

Tham gia chương trình OCOP chính là cơ hội để các cơ sở sản xuất hoàn thiện và nâng cao chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn. Cùng với sự hỗ trợ của nhà nước, các cơ sở sản xuất, làng nghề cần chủ động, mạnh dạn hơn trong việc đầu tư, ứng dựng công nghệ vào hoạt động sản xuất để cải tiến mẫu mã và nâng cao chất lượng sản phẩm hiện có.

Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan và chính quyền các đia phương đẩy mạnh tuyên truyền để Chương trình Mỗi xã một sản phẩm được triển khai hiệu quả. Năm 2020, tỉnh phấn đấu có thêm 15 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt 3 sao trở lên.

Bên cạnh đó, hoạt động quảng bá, xây dựng hình ảnh, thương hiệu sẽ được tăng cường nhằm đẩy mạnh tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, sản phẩm công nghiệp nông thôn, phát triển làng nghề. Sản phẩm sẽ được kết nối vào các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, các hệ thống phân phối trên cả nước.

Tin, ảnh: Nguyễn Chinh (TTXVN)
Hòa Bình phấn đấu có sản phẩm OCOP 5 sao trong năm 2020
Hòa Bình phấn đấu có sản phẩm OCOP 5 sao trong năm 2020

Ngày 20/8, tại huyện Mai châu (Hòa Bình), Đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới Trần Thanh Nam làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh Hòa Bình về kết quả triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và triển khai các mô hình Trung ương chỉ đạo điểm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN