Xuất khẩu lâm sản năm 2022 đạt gần 17 tỷ USD​

Tại Hội nghị Tổng kết công tác chỉ đạo điều hành năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 30/12, tại Hà Nội, ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, giá trị xuất khẩu lâm sản năm 2022 ước đạt khoảng 16,928 tỷ USD, tăng 6,1% so với năm 2021.

Chú thích ảnh
Sản xuất gỗ bóc, ván ép tại xóm Hợp Thành, xã Phượng Tiến, Định Hóa, Thái Nguyên. Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN

Trong số đó, gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 15,85 tỷ USD, tăng 7%; lâm sản ngoài gỗ ước đạt tỷ 1,1 USD, giảm 1,3%. Giá trị nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2022 ước đạt 2,82 tỷ USD, tăng 4,1% so với 2021. Như vậy, giá trị xuất siêu lâm sản ước đạt 14,1 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ. 

Theo ông Bùi Chính Nghĩa, năm 2022, thị trường có nhiều biến động do ảnh hưởng từ xung đột Nga - Ukraine và đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, nhờ chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành và sự tích cực, chủ động vượt khó của doanh nghiệp, xuất khẩu gỗ và lâm sản tiếp tục tăng trưởng. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc là các thị trường xuất khẩu chính với kim ngạch ước đạt 15,48 tỷ USD, chiếm trên 90% tổng giá trị xuất khẩu lâm sản.

Không chỉ vượt chỉ tiêu về xuất khẩu, các chỉ tiêu khác của ngành đều đạt và vượt mục tiêu đề ra. Nổi bật là: diện tích rừng trồng đạt 259.615 ha, vượt 6,4% so với kế hoạch đề ra, tăng 5,9% so với năm 2021; sản lượng gỗ khai thác năm 2022 gần 19,7 triệu m3, vượt 6,47% kế hoạch, tăng 7,2% năm 2021; thu dịch vụ môi trường rừng đạt gần 3.687 tỷ đồng, đạt 122,9% kế hoạch thu năm 2022, tăng 20,6% so với năm 2021; tỷ lệ che phủ rừng đạt 42,02%.

Năm 2022, ngành lâm nghiệp cũng chủ động nắm bắt, khoanh vùng các điểm nóng, địa bàn, tụ điểm trọng điểm về chặt phá rừng, cất giữ, chung chuyển lâm sản. Kịp thời tổ chức các đoàn kiểm tra, phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong công tác bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng.

Qua đó, các lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý 3.624 vụ phá rừng. Diện tích rừng bị tác động là 1.081 ha, giảm 1% so với năm 2021. Cả nước đã xảy ra 85 vụ cháy rừng, giảm 111 vụ, tương ứng giảm 57% so với năm 2021; diện tích thiệt hại do cháy là 41,35 ha, giảm 1.470 ha, tương ứng giảm 97,3% với năm 2021.

Tuy nhiên, năm 2022 vẫn còn tồn tại điểm nóng về phá rừng, vận chuyển, tàng trữ lâm sản trái phép và chống người thi hành công vụ, nhất là các tỉnh khu vực Tây Nguyên. “Đây là địa bàn nóng nhất về phá rừng, khai thác lâm sản trái phép chưa được phát hiện sớm để có biện pháp chỉ đạo, ngăn chặn và giải quyết kịp thời”, ông Bùi Chính Nghĩa chia sẻ.

Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng cho phát triển lâm nghiệp chưa được đầu tư đúng mức, nhất là tại các ban quản lý rừng, công ty lâm nghiệp hạ tầng cơ sở yếu kém, thiếu trang thiết bị phục vụ công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy.

Thực trạng kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng bỏ việc, thôi việc xảy ra ở nhiều nơi, nhiều khu vực khó tuyển dụng lao động mới. Các chính sách liên quan đến đầu tư lâm nghiệp không hấp dẫn để thu hút người dân và doanh nghiệp đầu tư vào trồng rừng thâm canh. Thống kê cho thấy, thu nhập trên mỗi ha rừng trồng là rất thấp, chỉ đạt bình quân 10 triệu đồng/ha/năm, dẫn đến thu nhập của người trồng rừng thấp, chỉ chiếm 25% tổng thu nhập.

Chú thích ảnh
Kiểm tra sản phẩm gỗ ván ép phủ phim đảm bảo chất lượng trước khi xuất khẩu tại nhà máy của Công ty TNHH Một thành viên Lâm sản Lạng Sơn, huyện Lạng Giang (tỉnh Bắc Giang). Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Với kết quả đạt được năm 2022, ông Bùi Chính Nghĩa cho biết, ngành đặt mục tiêu năm 2023 với tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp từ 5-5,5%; tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc duy trì ổn định khoảng 42%; giá trị xuất khẩu lâm sản 17,5 tỷ USD. Tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định 42%, nâng cao chất lượng rừng.

Trên kế hoạch đặt ra của Tổng cục Lâm nghiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Quốc Trị yêu cầu tổng cục bám sát vào kế hoạch đặt ra và triển khai ngay từ đầu năm, không thỏa mãn với kết quả đạt được trong năm 2022. 

“Điển hình như về mặt diện tích rừng bị cháy năm 2022 giảm rất mạnh mà thỏa mãi, chủ quan. Nếu không dự báo tốt, không canh gác tốt, không phát hiện hiện thời khi có cháy thì hậu quả rất khó lường. Cục Kiểm lâm cũng các đơn vị ngành lâm nghiệp, nhất là các vườn quốc gia phải gương mẫu đi đầu trong phòng, chống cháy rừng”, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị nhấn mạnh.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị cũng nêu rõ, Nghị định số 107/2022/NĐ-CP của Chính phủ về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ (ERPA) là nghị định đầu tiên được xây dựng nhằm thực hiện việc chuyển nhượng kết quả giảm phát thải, tín chỉ carbon rừng.

Các đơn vị phải triển khai ngay kế hoạch, đồng thời đàm phán với đối tác cũng như thực thi ở các địa phương. Thực hiện thành công nghị định này sẽ là nền tảng để xây dựng nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp hiệu quả.

Để đạt được mục tiêu đề ra, Tổng cục Lâm nghiệp cũng đề nghị lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ phê duyệt Nghị định về một số chính sách đầu tư trong lâm nghiệp; Quy hoạch Lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 118/2014/NĐ-CP của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp; Đề án thí điểm cho thuê môi trường rừng để nuôi trồng, phát triển cây dược liệu; Chương trình phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030 và định hướng 2045...

Bích Hồng (TTXVN)
Xuất khẩu gỗ và lâm sản có thêm tháng ‘giảm tốc’, doanh nghiệp giảm đơn hàng Mỹ và EU
Xuất khẩu gỗ và lâm sản có thêm tháng ‘giảm tốc’, doanh nghiệp giảm đơn hàng Mỹ và EU

Thông tin được cập nhật mới nhất của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản tháng 7/2022 ước đạt 1,41 tỷ USD, giảm 1,6% so với cùng kỳ năm 2021. Khó khăn cho việc xuất khẩu ngành hàng nông nghiệp chủ lực có thể nhìn thấy rõ khi đây là tháng thứ hai liên tiếp ngành hàng xuất khẩu quan trọng này giảm đà xuất khẩu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN