Cuộc chạy đua đầy thách thức

Từ ngày 1/1/2024, Vương quốc Bỉ lần thứ 13 đảm nhận cương vị Chủ tịch luân phiên Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) trong thời gian 6 tháng. Trên cương vị mới, Bỉ đặt mục tiêu thúc đẩy hợp tác giữa các nước EU, bảo vệ công dân châu Âu và làm sâu sắc thêm các giá trị chung của liên minh. Tuy nhiên, bối cảnh chính trị trong năm bầu cử 2024 ở Bỉ khiến nước này đối mặt với không ít khó khăn.

Chú thích ảnh
Tòa nhà châu Âu, Brussels. Ảnh: belgian-presidency.consilium.europa.eu

Lần gần đây nhất Bỉ giữ chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU là vào nửa cuối năm 2010. Vào thời điểm đó, Vương quốc Anh vẫn là một thành viên EU. Quan hệ với Nga vẫn khá mật thiết, Trung 
Quốc vẫn chưa được coi là một đối thủ có hệ thống và Mỹ vẫn là một đồng minh kiên định có thể tin cậy mọi lúc. Các mối đe dọa của tình trạng biến đổi khí hậu và suy thoái đa dạng sinh học đã định hình, nhưng người dân và các chính phủ châu Âu hầu như không để ý. Trong con mắt của đại đa số, trí tuệ nhân tạo (AI) giống khoa học viễn tưởng hơn là một thực tế có khả năng làm rung chuyển hành tinh. 

Tuy nhiên, với nhiệm kỳ này, Bỉ đang đối mặt với bối cảnh đã có những biến chuyển lớn, không chỉ ở góc độ châu lục mà trên bình diện thế giới. Đó là dư âm của Brexit, giai đoạn phục hồi hậu đại dịch COVID-19, cuộc xung đột Nga - Ukraine và những hệ lụy từ bạo lực bùng phát ở Trung Đông. Thủ tướng Bỉ De Croo nhấn mạnh: “Châu Âu đang ở ngã ba đường” và không phải ngẫu nhiên mà logo nhiệm kỳ Chủ tịch Hội đồng EU của Bỉ có hình chữ thập.

Trước thực tế địa chính trị đang biến động cũng như những tiến bộ công nghệ nhanh chóng, Bỉ nhấn mạnh vào khả năng cạnh tranh lâu dài của EU. Nước chủ tịch sẽ nỗ lực tìm cách tạo ra một hệ sinh thái kỹ thuật số bền vững, đổi mới và linh hoạt, mang lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp. Bỉ cho biết nước này vẫn cam kết thực hiện Thỏa thuận Xanh đầy tham vọng của EU, ưu tiên chuyển đổi năng lượng và khí hậu, cung cấp năng lượng với giá cả phải chăng và đảm bảo nguồn cung an toàn.

Về quyền xã hội, Bỉ cũng cam kết tìm cách tạo ra một xã hội châu Âu hòa nhập, bình đẳng giới và công bằng. Theo đó, các nỗ lực sẽ tập trung vào việc tăng cường đối thoại xã hội, phân bổ lao động công bằng, bảo trợ xã hội bền vững và đảm bảo sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc.

Ngoài ra, nước chủ tịch cũng đặt mục tiêu giải quyết các hồ sơ pháp lý liên quan đến hiệp ước mới của EU về di cư và tị nạn, nhằm mục đích củng cố niềm tin giữa các quốc gia thành viên EU, mang lại sự rõ ràng về mặt pháp lý cho những người nhập cư hợp pháp và đảm bảo quản lý di cư nhân đạo, hiệu quả. Bỉ cũng ủng hộ cách tiếp cận quyết đoán hơn nhằm tăng cường khả năng phục hồi và tự chủ của EU trên trường quốc tế, dựa trên đối thoại, cởi mở và hợp tác, vì lợi ích của EU.  

Sáu tháng tới đây thực sự sẽ là “giai đoạn then chốt” đối với EU, như lời Ngoại trưởng Bỉ Hadja Lahbib phát biểu trong cuộc gặp gỡ với báo chí để công bố các ưu tiên của Bỉ trong nhiệm kỳ Chủ tịch EU, bởi Brussels sẽ phải chạy đua với thời gian nếu muốn thực hiện các cam kết đề ra. Nhiệm kỳ Chủ tịch EU của Bỉ trùng với thời điểm kết thúc cơ quan lập pháp hiện tại và bầu Nghị viện châu Âu (EP) cũng như Ủy ban châu Âu (EC) nhiệm kỳ mới. Chính vì thế, Bỉ sẽ phải "chạy nước rút" trong thời gian đầu và sau đó là chạy marathon. Trong 2-3 tháng đầu tiên, nước chủ tịch phải thúc đẩy ký kết càng nhiều càng tốt các thỏa thuận liên quan tới các văn bản lập pháp giữa EC và EP trước khi các cuộc bầu cử diễn ra. Theo kế hoạch, từ ngày 6-9/6, công dân của tất cả các quốc gia thành viên EU sẽ bỏ phiếu bầu EP. Cuối tháng 4/2024, EP sẽ họp phiên họp toàn thể cuối cùng trước khi cuộc bầu cử được tổ chức. Bất kỳ dự án lập pháp nào chưa được hoàn thành trước thời điểm đó sẽ được chuyển cho EP và EC khóa mới. Cho đến cuối tháng 4, Bỉ có trách nhiệm hoàn tất hơn 100 văn bản lập pháp chính của EU. Hầu hết các thỏa thuận ở cấp độ chính trị phải được hoàn thành vào cuối tháng 2, chậm nhất là tháng 3 đối với một số hồ sơ quan trọng.

Ngoài ra, nước chủ tịch cũng ưu tiên đạt được thỏa thuận với EP về việc sửa đổi các quy tắc ngân sách EU, mà các nước thành viên vừa mới nhất trí. Cùng với đó là cuộc đàm phán về sửa đổi khung ngân sách 2021-2027 và ngân sách năm 2024. EU ưu tiên đẩy mạnh cuộc chiến chống tội phạm có tổ chức và thúc đẩy đạo luật chống bạo lực đối với phụ nữ, cũng như đưa thỏa thuận về người lao động trên các nền tảng trở về đúng quỹ đạo. Uy tín của Bỉ với tư cách là nhà trung gian hòa đàm có thể đã được khẳng định ở cấp độ châu Âu, nhưng nhiệm vụ này có vẻ không hề dễ dàng.

Từ tháng 3, Bỉ sẽ tập trung vào các vấn đề trung và dài hạn. Những người đứng đầu nhà nước và chính phủ của 27 quốc gia thành viên sẽ trực tiếp tham gia xây dựng Chiến lược nghị sự - tức là các ưu tiên chính trị của EU trong 5 năm tới. Họ cũng đưa ra quan điểm về tương lai của liên minh, vốn đã trở nên cấp thiết hơn khi quá trình mở rộng được tái khởi động và trong tương lai EU có thể kết nạp thêm các nước Balkan, Moldova và Ukraine. Cho dù điều này chỉ thành hiện thực trong một thập niên hoặc hơn thế, thì đã đến lúc phải tính đến cải tổ liên minh, điều chỉnh hoạt động và ngân sách.

Trong quá trình này, khó khăn mà Bỉ phải đối mặt là chiến dịch bầu cử EP ở tất cả các nước thành viên, trong trường hợp xấu nhất có thể dẫn đến các vị trí bị đóng băng. Ở cấp độ quốc gia, hiện các đảng phái ở Bỉ đang ráo riết chạy đua cho cuộc bầu cử tại nước này, sẽ được tổ chức cùng thời điểm với cuộc bầu cử châu Âu vào tháng 6. Dư luận đặc biệt lo ngại về nguy cơ Bỉ rơi vào khủng hoảng và chia rẽ như trong các cuộc bầu cử trước đây, bởi trên thực tế, đây là lý do khiến Bỉ từng trải qua hơn 540 ngày không có chính phủ chính thức sau cuộc bầu cử tháng 6/2010, cũng từng không thành lập được chính phủ trong gần 500 ngày sau cuộc bầu cử tháng 5/2019. Theo giới quan sát chính trị châu Âu, ở Bỉ lâu nay tồn tại bất đồng sâu sắc giữa 2 nhóm người, là người Flanders nói tiếng Hà Lan ở miền Bắc và người Wallonia nói tiếng Pháp ở miền Nam. Căng thẳng giữa hai miền Bắc - Nam của Bỉ đang ngày càng gia tăng. Một số nhà quan sát cho rằng do lợi ích chiến lược của tất cả các đảng phái ở Bỉ là xây dựng một EU mạnh mẽ, một thị trường nội địa, một khu vực Schengen hoạt động, nên các đảng phái sẽ cố gắng không để bất đồng ảnh hưởng đến vai trò Chủ tịch EU. Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến nghi ngờ chính phủ nước này liệu có đủ sức mạnh để thực hiện chương trình nghị sự đầy tham vọng trên cương vị Chủ tịch EU hay không, nhất là khi chính phủ liên minh 7 đảng hiện nay của Bỉ chưa chắc sẽ tiếp tục nắm quyền.

Đại diện thường trực của Bỉ tại EU Pierre Cartuyvels khẳng định Bỉ là một trong những quốc gia sáng lập EU nên cần phải có những đề xuất táo bạo cho việc thúc đẩy dự án hội nhập châu Âu. Nếu trong 6 tháng tới, Bỉ có thể đóng góp vào một chuyển động mạnh mẽ để tái khởi động công cuộc xây dựng EU thì nhiệm kỳ chủ tịch của nước này có thể được coi là thành công.

Hương Giang (Phóng viên TTXVN tại Vương quốc Bỉ)
Mục tiêu đầy tham vọng của Bỉ trên cương vị Chủ tịch Hội đồng EU năm 2024
Mục tiêu đầy tham vọng của Bỉ trên cương vị Chủ tịch Hội đồng EU năm 2024

Bỉ sẽ đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU vào ngày 1/1/2024. Nước này có một chương trình nghị sự đầy tham vọng được vạch ra trước khi EU và Bỉ chuyển sang chế độ vận động trước bầu cử Nghị viện châu Âu vào cuối năm nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN