Thấy gì qua chương trình trợ giá gạo của Thái Lan?

Sau vài năm thực hiện, chương trình mua tạm trữ gạo của Chính phủ Việt Nam đã nảy sinh một số bất cập cần có sự điều chỉnh nhằm đem lại lợi ích thiết thực, đặc biệt là cho người nông dân trông lúa. Để bạn đọc tham khảo, Báo Tin tức xin giới thiệu chương trình mua tạm trữ gạo ở Thái Lan, nước đã thực hiện chương trình này trước Việt Nam nhiều năm.


Nông dân trồng lúa ở ngoại ô thành phố Chiang Mai, Thái Lan. Ảnh Internet.


Chính phủ Thái Lan đã quyết định tiếp tục thực hiện chương trình thu mua trợ giá gạo trong mùa thu hoạch năm 2013 bất chấp xuất hiện những tranh cãi liên quan tới vấn đề thua lỗ và kho chứa gạo không đủ cho vụ thu hoạch tới.


Theo chương trình này, giá gạo trắng thông thường vẫn được thu mua ở mức 15.000 bạt/tấn (khoảng 500 USD hay 10,7 triệu VNĐ) và giá gạo hương nhài được thu mua ở mức 20.000 bạt/tấn.


Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra cho biết nông dân vẫn muốn có chương trình này do vậy chính phủ phải đáp lại mong muốn của họ. Tuy nhiên, bà nói rằng chương trình trợ giá gạo sẽ phải thực hiện một cách minh bạch, đặc biệt là ở khâu bán gạo từ kho.


Cam kết bán gạo một cách minh bạch ngay lập tức đã nhận được sự hoan nghênh của giới truyền thông và một số người hay chỉ trích. Trong thời gian qua, Bộ Thương mại Thái Lan vẫn thực hiện chương trình trợ giá gạo gần như bí mật. Theo tờ "Bưu điện Băngcốc", không hề có thông tin nào về số lượng gạo được bán ra nước ngoài theo các hợp đồng liên chính phủ (G2G) và giá cả của những hợp đồng đó bởi Bộ Thương mại không muốn cung cấp thông tin với lý do giữ bí mật. Khi không có thông tin đầy đủ, công chúng có quyền đặt dấu hỏi nghi ngờ về tính xác thực của những hợp đồng G2G mà Bộ Thương mại công bố.


Nhưng kể cả khi vấn đề minh bạch được giải quyết, thì vẫn còn tồn các vấn đề khác, như kho bãi, tài chính và năng lực cạnh tranh.


Kho bãi


Theo tờ “The Nation”, vấn đề đầu tiên và dường như sẽ phải giải quyết ngay lập tức là kho bãi cất giữ gạo mới thu hoạch dự kiến sẽ vào khoảng 7 triệu tấn. Vấn đề này chỉ có thể được giải quyết khi Bộ Thương mại sớm bán được lượng gạo trong kho để có chỗ chứa mới.


Trên thị trường gạo thế giới hiện đang thừa mứa kể cả khi sản lượng thóc ở Ấn Độ có bị sụt giảm vì hạn hán, do vậy, việc giải phóng kho bãi một cách nhanh chóng sẽ là nhiệm vụ rất khó khăn và có thể sẽ phải tiếp tục giảm giá bán để tăng thêm tính cạnh tranh. Điều này cũng có nghĩa là chính phủ sẽ thua lỗ nặng hơn và đây là sự thất bại thêm nữa của chương trình.


Tài chính


Đầu tiên là tình hình tài chính của Ngân hàng Nông nghiệp và Hợp tác xã nông nghiệp (BAAC), đơn vị cung cấp tiền bạc cho chương trình này. Họ vẫn phàn nàn về việc thiếu ngân sách để tiếp tục thực hiện chương trình. Nội các Thái Lan mới đây đã cho phép ngân hàng này vay thêm 74,2 tỷ bạt nhằm giải quyết vấn đề vốn cho chương trình và với sự đảm bảo của Bộ Tài chính, ngân hàng này sẽ tạm thời vượt qua khó khăn để thực hiện chương trình trợ giá gạo thêm một năm nữa. Tuy nhiên, bản thân các quan chức của BAAC cũng không đồng tình với chương trình mua trữ gạo. Trong khi các kho bãi đang ngày càng đầy lên, BAAC còn phải dành vốn để thực hiện nhiều dự án khác nữa.


Thứ hai là ngân sách. Sau khi chính phủ Thái Lan tiếp tục duy trì chương trình trợ giá gạo, tờ "The Nation" cho rằng việc này không chỉ làm giảm tính cạnh tranh trong xuất khẩu mà còn tăng gánh nặng ngân sách, gây ảnh hưởng tới toàn bộ ngành buôn bán gạo của Thái Lan.


Các số liệu thống kê được công bố gần đây cho thấy số tiền chi tiêu cho chương trình trợ giá gạo trong cả năm qua lên tới 337,24 tỷ bạt, gồm 118,57 tỷ cho vụ đầu tiên và 218,67 tỷ cho vụ thứ hai trong năm. Chính phủ mới chỉ thu lại được 20 tỷ bạt từ các hợp đồng bán gạo. Chính phủ cũng có thể đi tới phá sản nếu thực hiện thêm một năm vì trợ giá gạo bởi đã đến thời điểm phải thu hồi vốn từ việc bán gạo.


Người nông dân cũng sẽ gặp khó khăn khi chương trình này kết thúc bởi chính phủ cuối cùng sẽ phải buộc họ trồng các giống cây khác mà không còn trợ giá nữa.


Năng lực cạnh tranh


Thái Lan đã mất vị trí số 1 thế giới về xuất khẩu gạo bởi không thể cạnh tranh nổi về giá với các nước khác. Thị phần gạo xuất khẩu của Thái Lan đã giảm mạnh trong năm 2012, từ 33,5% năm 2011 xuống còn 21,79%, trong khi thị phần gạo xuất khẩu của Ấn Độ lại tăng hơn hai lần, từ 14,57% lên 32,18%. Thị phần gạo xuất khẩu của Việt Nam cũng tăng lên trong năm 2012, từ 21,98% lên 24,18%.


Ngoài ra, chương trình trợ giá gạo cũng sẽ khiến việc trồng lúa gạo tại Thái Lan không thể phát triển bởi chính phủ chỉ đầu tư vào việc trợ giá chứ không chú trọng đầu tư vào việc phát triển lâu dài. Giám đốc Trung tâm nghiên cứu thương mại quốc tế thuộc Đại học Thương mại Thái Lan, ông Aat Pisanwanich, nhận xét: Thái Lan không còn có thể tuyên bố rằng chất lượng gạo của họ cao hơn so với các đối thủ bởi người ta không còn quan tâm nhiều tới khâu trồng trọt.


Khoảng cách giá giữa Thái Lan và các nước xuất khẩu khác là quá lớn khiến người tiêu dùng và các nhà nhập khẩu sẽ lựa chọn gạo từ những nước khác. Trong tương lai, Thái Lan cũng sẽ phải đối mặt với tình cảnh ngày càng khó khăn bởi không thể bán được gạo chất lượng cao ở những thị trường giá rẻ, trong khi chất lượng gạo sẽ xuống khi càng để lâu trong kho.


Tuy nhiên, đối với người nông dân Thái Lan, chương trình trợ giá gạo đang hoạt động tốt và họ ủng hộ chính phủ kéo dài chương trình này. Bà Somboon Kettum, nông dân tại Nakhon Nayok - một trong những tỉnh trồng lúa ở miền trung Thái Lan - cho biết chương trình này đang giúp những người nông dân tăng thêm thu nhập thật sự vì họ được chính phủ mua thóc với giá cao.



Hà Linh (P/v TTXVN tại Thái Lan)
Cơ bản hoàn thành mua gạo tạm trữ

Theo ngành thương mại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đến ngày 20/3, các doanh nghiệp đã mua tạm trữ 979.000 tấn gạo (tương đương 1,958 triệu tấn lúa), cơ bản hoàn thành chỉ tiêu mua gạo tạm trữ do Chính phủ đề ra. Các tỉnh đã chế biến xuất khẩu 815.555 tấn gạo các loại, trị giá 369 triệu USD.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN