Xung lực mới cho quan hệ Nga - Nhật

Chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tới Nga và tham dự Diễn đàn Kinh tế phương Đông 2018 được coi như một cú hích cần thiết giúp cho mối quan hệ giữa Tokyo và Moskva, vốn không ngừng được củng cố và phát triển trong những năm qua, không bị chệch hướng trước những diễn biến ngày càng phức tạp trong khu vực.

Chú thích ảnh
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong cuộc gặp tại Vladivostok, Nga ngày 10/9. Ảnh: AFP/TTXVN

Dẫn đầu đoàn đại biểu đông đảo gần 400 doanh nhân và quan chức hàng đầu của Nhật Bản tới Nga tham dự Diễn đàn Kinh tế phương Đông lần thứ tư tại Vladivostok lần này, Thủ tướng Abe một lần nữa tái khẳng định quyết tâm của Tokyo trong việc cải thiện quan hệ với Nga, hướng tới mục tiêu đạt được hiệp ước hòa bình giữa hai nước. Đây là lần thứ 3 liên tiếp ông Abe tham dự Diễn đàn Kinh tế phương Đông và là lần thứ 22 ông gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Với việc hai bên ký kết một loạt văn kiện hợp tác, phê chuẩn chi tiết lộ trình thực hiện các hoạt động kinh tế chung trên quần đảo tranh chấp mà Nga gọi là Nam Kuril, trong khi Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc, cũng như thảo luận thẳng thắn những tồn tại trong quan hệ song phương cùng các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhận định chuyến thăm của Thủ tướng Abe “tạo ra xung lực mới cho quan hệ Nga - Nhật và tiếp tục phát triển trên tinh thần đối tác và hợp tác”.

Có thể nói, những nỗ lực không mệt mỏi của Thủ tướng Abe trong những năm gần đây đã thổi một luồng sinh khí mới, giúp quan hệ Nga và Nhật Bản không ngừng được củng cố, mở rộng và phát triển trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế và năng lượng.

Ngay từ khi trở lại Văn phòng thủ tướng tháng 12/2012, ông Abe đã đưa ra một hướng tiếp cận mới trong quan hệ với Nga, tập trung thúc đẩy quan hệ chính trị song phương ở cấp cao, tăng cường đối thoại an ninh và đề xuất kế hoạch hợp tác kinh tế gồm 8 điểm.

Thống kê cho thấy, kim ngạch thương mại giữa Nga và Nhật Bản trong năm ngoái đạt hơn 18 tỷ USD và trong 6 tháng đầu năm nay đã tăng 20%. Các tập đoàn của Nhật Bản đang tích cực đầu tư vào ngành công nghiệp và nông nghiệp của Nga; vốn đầu tư của Nhật Bản vào nền kinh tế Nga đạt mức gần 2 tỷ USD.

Hai bên đang thực hiện hiệu quả gần 100 sáng kiến hợp tác chung cùng có lợi được nêu ra trong kế hoạch 8 điểm hợp tác của Thủ tướng Abe, cũng như danh sách những dự án đầu tư ưu tiên của Nga. Nhật Bản đã hợp tác với Nga trong nhiều dự án sản xuất khí đốt tự nhiên ở đảo Sakhalin và sắp tới nhiều khả năng các đối tác Nhật Bản sẽ được tham gia các dự án hợp tác khai thác năng lượng ở Bắc Cực và vùng Viễn Đông như cam kết của ông Putin đưa ra sau hội đàm.

Moskva đang xem xét ký một thỏa thuận với Nhật Bản để xây dựng một cây cầu nối liền đảo Sakhalin của Nga với đảo lớn Hokkaido, cực Bắc Nhật Bản. Đặc biệt, việc Nga và Nhật Bản thúc đẩy những dự án hợp tác kinh tế chung tại vùng quần đảo tranh chấp là một trong những biện pháp giúp tăng cường lòng tin song phương.

Không dừng lại ở đó, hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng giữa Tokyo và Moskva đứng trước nhiều cơ hội sau khi Nga và Nhật Bản quyết định thiết lập cơ chế đối thoại “2 + 2” giữa bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng hai nước, vốn chỉ dành cho các đồng minh thân thiết.

Sự nồng ấm trong quan hệ song phương Nga - Nhật đã làm dấy lên hy vọng sẽ tạo ra bước tiến mới trong giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ dai dẳng, khiến hai nước chưa thể ký kết Hiệp ước hòa bình kể từ Chiến tranh thế giới lần thứ 2 cho tới nay.

Chú thích ảnh
Tổng thống Nga Vladimir Putin (giữa, trái) và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (giữa, phải) thăm Nhà máy sản xuất xe Mazda Sollers liên doanh giữa Nga và Nhật Bản tại Vladivostok ngày 10/9. Ảnh: AFP/TTXVN

Thủ tướng Abe từng tuyên bố chính sách phát triển quan hệ mật thiết với Nga là cần thiết để thiết lập nền tảng cho một hiệp ước giải quyết tranh chấp lãnh thổ tồn tại nhiều năm giữa hai nước. Bên cạnh đó, việc coi Nga như một đối tác tiềm năng có thể hỗ trợ Nhật Bản giải quyết nhiều vấn đề, từ kinh tế tới an ninh.

Là quốc gia không được thiên nhiên ưu đãi, Nhật Bản đang khao khát tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú của Nga. Hơn nữa, với thị trường hơn 140 triệu dân, nước Nga cũng trở nên rất hấp dẫn trong mắt các nhà sản xuất và xuất khẩu của Nhật Bản.

Không chỉ có vậy, quan hệ nồng ấm với Nga đóng vai trò quan trọng cho cục diện chiến lược của toàn bộ châu Á-Thái Bình Dương. Trong bối cảnh môi trường an ninh ở Đông Bắc Á tiếp tục diễn biến phức tạp do vấn đề căng thẳng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên hay Trung Quốc không ngừng gia tăng ảnh hưởng, việc cải thiện quan hệ quốc phòng và ngoại giao với Nga sẽ tạo điều kiện cho những hợp tác chiến lược khác của Nhật Bản, góp phần ngăn chặn các mối đe dọa an ninh đối với Tokyo.

Đối với Nga, việc tăng cường hợp tác với Nhật Bản, một đồng minh thân cận của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, không những giúp Moskva đa dạng hóa thị trường tiêu thụ dầu khí mà còn góp phần phá vòng vây cô lập, cấm vận của phương Tây và thu hút nguồn vốn từ nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới vào phát triển khu vực Viễn Đông rất giàu tiềm năng, song còn nhiều khó khăn.

Hiện Nhật Bản, một trong những nền kinh tế lớn và thành viên Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7), hầu như “đứng ngoài” các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt chống Nga. Mặt khác, hợp tác giữa Nhật Bản và Nga mang ý nghĩa lớn hơn bởi đây là hai cường quốc có vị thế địa chính trị và vai trò đáng kể trong nhiều vấn đề, giúp duy trì thế cân bằng chiến lược trong khu vực.

Cũng phải nói rằng quan hệ Nga-Nhật dù đã được cải thiện đáng kể, song giữa hai bên vẫn tồn tại không ít bất đồng. Nhật Bản vẫn phản đối việc Nga tăng cường sự hiện diện quân sự hay tiến hành tập trận tại quần đảo tranh chấp hiện do Moskva kiểm soát.

Trong khi đó, Moskva cũng bày tỏ thất vọng trước việc Tokyo cho phép Washington bố trí các hệ thống vũ khí tại quốc gia Đông Bắc Á này, trong khuôn khổ hệ thống "lá chắn tên lửa" toàn cầu của Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Ngay cả những dự án chung dự định triển khai tại các hòn đảo tranh chấp cũng khó đạt được kết quả như mong muốn do lập trường của hai bên vẫn trong tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”.

Moskva cho rằng các hoạt động kinh tế ở các vùng lãnh thổ tranh chấp phải được đặt trong khuôn khổ luật pháp của Nga, trong khi Nhật Bản kiên quyết phản đối bởi điều này đồng nghĩa với việc Tokyo công nhận sự kiểm soát của Moskva đối với quần đảo Nam Kuril/Vùng lãnh thổ phương Bắc. Cơ chế pháp lý chung đối với hoạt động kinh tế tại các hòn đảo tranh chấp vẫn chưa được soạn thảo khiến cho mọi kế hoạch của Moskva và Tokyo hầu như chỉ nằm trên giấy.

Sách Xanh mới nhất của Bộ Ngoại giao Nhật Bản miêu tả quan hệ song phương với Nga là “có tiềm năng hết sức to lớn”, đồng thời khẳng định quan hệ này sẽ đóng góp cho hòa bình và ổn định khu vực. Mặc dù nhiều bất đồng mang tính “thâm căn cố đế” chưa được hóa giải, nhưng rõ ràng việc cải thiện mối quan hệ Nga-Nhật đáp ứng lợi ích thiết thực của cả hai bên.

Quan hệ hai nước sẽ tiếp tục chứng kiến những chuyển động tích cực thông qua những cuộc đối thoại mang tính xây dựng hay các dự án hợp tác kinh tế hiệu quả, và đây là hướng mở ra giải pháp bền vững cho những vấn đề bất đồng giữa Nga và Nhật Bản.                

Dương Trí (Phóng viên TTXVN tại LB Nga)
Nga - Nhật Bản tiếp tục tham vấn về ổn định chiến lược
Nga - Nhật Bản tiếp tục tham vấn về ổn định chiến lược

Bộ Ngoại giao Nga ngày 4/7 cho biết vòng tham vấn Nga - Nhật Bản về ổn định chiến lược ở cấp thứ trưởng ngoại giao sẽ diễn ra tại Moskva trong năm 2019.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN