Chính quyền không sâu sát để người dân tự ý san tạo mặt bằng, lấp công trình thủy lợi

Mặc dù chưa được các cấp có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất, hàng chục hộ dân ở thôn Đăng Thọ, xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình (Yên Bái) đã tự ý san gạt hàng chục nghìn mét vuông ao, ruộng, lấp cả công trình thủy lợi Đầm Bùng. Chính quyền địa phương kiểm tra, phát hiện cả “núi” đất đá đã được đổ xuống khu vực này.

Chú thích ảnh
Cả vạt đồi bị người dân thôn Đăng Thọ, xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình (Yên Bái) tự san hạ và đổ xuống để lấp ruộng lúa, ao cá. 

Tại thôn Đăng Thọ, xã Phú Thịnh ngày 6/9, phóng viên TTXVN ghi nhận một khu vực lớn khoảng 3 ha nằm dọc đường liên thôn bị san lấp lấy mặt bằng. Những quả đồi bị san hạ nham nhở, dưới khu vực ao, ruộng và công trình thủy lợi Đầm Bùng bị lấp kín.

Giải thích việc cùng các hộ dân khác tự ý san gạt, đổ đất trái phép, bà Hoàng Thị Dung ở thôn Đăng Thọ cho biết, trước đây, khu vực đầu nguồn của thôn có bãi rác và nghĩa trang của thị trấn Yên Bình gây ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt, diện tích lúa, nuôi trồng thủy sản của nhân dân. Bà con trồng lúa không hiệu quả, nuôi cá thì cá chết. Nhiều năm nay, khu vực này không còn canh tác được.

Chú thích ảnh
Người dân thôn Đăng Thọ, xã Phú Thịnh (Yên Bình, Yên Bái) tự ý bỏ tiền ra thuê máy móc, thiết bị về san lấp ruộng, ao và công trình thủy lợi.

Theo bà Hoàng Thị Dung, bà và các hộ dân ở đây đã nhiều lần kiến nghị chính quyền địa phương xem xét cho được chuyển đổi những diện tích đất bị ảnh hưởng nhưng mãi không nhận được phản hồi. Các hộ dân nghe thấy thông tin Nhà nước cho làm con đường rộng khoảng 7m qua đây nên đã rủ nhau hiến đất làm đường, tự san gạt, đổ đất vào những diện tích bị bỏ không bởi ảnh hưởng của bãi rác để trồng ngô, trồng sắn cho có hiệu quả hơn.

Chị Hoàng Thị Xuyến (thôn Đăng Thọ) cho biết, nhà chị chỉ cách bãi rác khoảng 200 m. Trước kia bãi rác còn hoạt động, mùi đốt rác và chất khử rất kinh khủng. Nhà chị có 4 - 5 sào ruộng nằm ngay dưới bãi rác. Do nguồn nước bị ô nhiễm nặng, nhiều năm nay không thu hoạch được vụ nào. Gần 2 sào ao nuôi cá bị ảnh hưởng, cá chết trắng xóa. “Các hộ dân ở đây đều mong muốn được chuyển đổi phần diện tích trồng lúa, ao cá sang trồng ngô, sắn và vật nuôi khác nhưng kiến nghị mãi chưa được. Cực chẳng đã, người dân mới tự ý san gạt, lấp đất”, chị Xuyến nói.

Chú thích ảnh
Hàng chục nghìn mét vuông diện tích ao, ruộng ở thôn Đăng Thọ, xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình (Yên Bái) bị người dân tự ý san gạt.

Ngày 5/9, Đoàn công tác gồm đại diện Chi cục Thủy lợi Yên Bái, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Bình, UBND xã Phú Thịnh, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tân Phú đã kiểm tra thực địa tại công trình thủy lợi Đầm Bùng. Đoàn kiểm tra đã xác định gần 3 ha đất trồng cây lâu năm, đất trồng rừng sản xuất bị người dân tự ý san gạt trái phép. Diện tích đất lúa bị lấp là gần 1,5 ha, diện tích đất nuôi trồng thủy sản (lúa chuyển sang) là hơn 1,1 ha. Không những thế, người dân còn đóng cọc tre, xếp bao tải đất và san lấp hoàn toàn 1.000 m kênh đất tại công trình thủy lợi Đầm Bùng.

Ông Trần Anh Văn, Phó Chi Cục trưởng, Chi cục Thủy lợi tỉnh Yên Bái cho biết, công trình thủy lợi Đầm Bùng xã Phú Thịnh được UBND tỉnh và UBND huyện Yên Bình giao cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tân Phú quản lý, khai thác và bảo vệ từ năm 2016, với nhiệm vụ phục vụ cung ứng tưới tiêu, cấp nước nuôi trồng thủy sản cho khu vực.

Việc san lấp công trình thủy lợi và diện tích đất nông nghiệp, qua kiểm tra đoàn công tác xác định không có quyết định phê duyệt dự án xây dựng và các tài liệu liên quan đến thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Đây là hành vi tự phát của các hộ dân tại thôn Đăng Thọ, tự ý bỏ tiền ra thuê máy móc, thiết bị về san lấp ruộng, ao và công trình thủy lợi, vi phạm quy định tại Điều 8 Luật Thủy lợi.

Chú thích ảnh
Hàng chục nghìn mét vuông diện tích ao, ruộng ở thôn Đăng Thọ, xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình (Yên Bái) bị người dân tự ý san gạt.

Liên quan đến vụ việc này, ông Đào Bá Hiệp, Chủ tịch UBND xã Phú Thịnh cho biết, xóm Đầm Bùng, thôn Đăng Thọ có 12 gia đình sinh sống. Trong quá trình trồng trọt và nuôi trồng thủy sản do kém hiệu quả, các hộ dân đã nhiều lần kiến nghị xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tuy nhiên chưa được chấp thuận.

Sự việc san đồi, lấp ruộng, ao ở một số hộ gia đình bắt đầu từ cuối năm 2022, xã đã nắm được tình hình và lập biên bản xử lý. Tuy nhiên, từ tháng 5/2023, khi có chủ trương mở rộng đường, các hộ dân tại xóm Đầm Bùng đã tự ý san, lấp gần như toàn bộ ruộng, ao, công trình thủy lợi với diện tích lớn. Chính quyền địa phương phát hiện, đã lập biên bản yêu cầu dừng hoạt động; đồng thời báo cáo UBND huyện xin ý kiến chỉ đạo.

Ông Đào Bá Hiệp lý giải: "Sự việc xảy ra trong thời gian ngắn, ở trong khu vực xa khu trung tâm. Khi chính quyền xã phát hiện, xuống làm việc, giải thích với người dân. Bà con không hiểu quy định, quá nóng vội nên đã có hành vi vi phạm".

Chú thích ảnh
Hàng chục nghìn mét vuông diện tích ao, ruộng ở thôn Đăng Thọ, xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình (Yên Bái) bị người dân tự ý san gạt.

Chủ tịch UBND xã Phú Thịnh cho biết, sau khi sáp nhập xã Văn Lãng vào xã Phú Thịnh, địa bàn xã quá rộng, một phần của Khu Công nghiệp phía Nam của tỉnh nằm trên địa bàn nên phải xử lý rất nhiều vụ việc phát sinh khiến công tác quản lý nhiều khi chưa thể sâu sát. “Để xảy ra vụ việc trên do công tác quản lý chưa tốt, chúng tôi phải chịu trách nhiệm trước cấp trên. Địa phương sẽ xem xét trách nhiệm của từng cá nhân để kiểm điểm làm rõ”, ông Đào Bá Hiệp nói.

Chú thích ảnh
Hơn 1.000m kênh đất của công trình thủy lợi Đầm Bùng ở thôn Đăng Thọ, xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình (Yên Bình) đã bị người dân tự ý san lấp.

Theo ông Nguyễn Xuân Trường, Chủ tịch UBND huyện Yên Bình, vụ việc người dân ở thôn Đăng Thọ tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, san tạo mặt bằng không phép, tự ý mở rộng đường giao thông nông thôn... huyện đã giao các phòng, ban chuyên môn phối hợp kiểm tra, xác minh, làm rõ.

Sau khi kiểm tra, xác minh, huyện sẽ xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm; đồng thời, kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng san tạo mặt bằng trái phép tại thôn Đăng Thọ, xã Phú Thịnh.

Bài và ảnh: Việt Dũng (TTXVN)
Gỡ xong mặt bằng, nhà thầu Quốc lộ 8A đẩy nhanh tiến độ
Gỡ xong mặt bằng, nhà thầu Quốc lộ 8A đẩy nhanh tiến độ

Quốc lộ 8A có chiều dài hơn 80 km không chỉ là tuyến giao thông huyết mạch của tỉnh Hà Tĩnh mà còn là tuyến đường có ý nghĩa quan trọng trong giao thương với nước bạn Lào cũng như một số nước trong khu vực thông qua cửa khẩu Cầu Treo. Do đó việc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án nâng cấp, cải tạo tuyến đường này đang được chủ đầu tư là Cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các nhà thầu khẩn trương hoàn thành.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN