Bức thư về giải pháp ngoại giao ở Ukraine gây tranh cãi trước bầu cử giữa kỳ Mỹ

30 nghị sĩ đảng Dân chủ đã cùng ký một lá thư gửi tới chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi Mỹ theo đuổi giải pháp ngoại giao trong cuộc xung đột giữa Ukraine và Nga. Tuy nhiên, ngay sau đó, lá thư này đã được thu hồi.

Chú thích ảnh
Một phiên họp tại Hạ viện ở Đồi Capitol. Ảnh: AP

Theo đài truyền hình CNN, lãnh đạo nhóm đảng viên Dân chủ cấp tiến tại Hạ viện Pramila Jayapal đã nhanh chóng rút đơn sau khi một loạt nghị sĩ trong đảng cảm thấy tức giận. Họ cho rằng đây không phải là thời điểm thích hợp để công bố bức thư, đặc biệt là khi chỉ còn 2 tuần nữa là đến cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ Mỹ.

Bức thư này được 30 nghị sĩ của đảng ký vào hồi tháng 6, kêu gọi chính quyền Tổng thống Biden theo đuổi giải pháp ngoại giao nhiều hơn. Tuy nhiên, công bố bức thư trong tuần này đã không được hầu hết các thành viên tán thành. Thậm chí một số nghị sĩ Dân chủ cho biết có thể họ sẽ không ký vào lá thư đó nếu như tình hình diễn biến như thời gian gần đây.

Bà Jayapal cho biết nội dung bức thư đã bị nhân viên phát tán mà chưa được phép. “Theo đây, Nhóm Cấp tiến của Quốc hội đã rút lại thư gửi tới Nhà Trắng liên quan đến Ukraine. Bức thư đã được soạn thảo cách đây vài tháng, nhưng không may bị nhân viên phát tán mà chưa được kiểm tra. Với vai trò là người đứng đầu nhóm, tôi xin nhận trách nhiệm về việc này”, bà Jayapal nói.

Trước đó, thông tin về bức thư được công bố đã gây ra phản ứng dữ dội từ các thành viên trong đảng Dân chủ. “Mọi người rất tức giận, đặc biệt là những người ở tuyến đầu”, một nghị sĩ cấp cao của đảng Dân chủ tại Hạ viện ám chỉ đến những nghị sĩ có nguy cơ mất ghế nhất sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.

Các nghị sĩ của đảng Dân chủ giải thích việc thời điểm công bố bức thư không thích hợp đã không phản ánh đầy đủ quan điểm của đảng về việc ủng hộ Ukraine, đặc biệt trong bối cảnh đảng Cộng hòa đang cân nhắc có phê duyệt thêm viện trợ cho Ukraine hay không. Hơn nữa, một số thành viên đảng Dân chủ bày tỏ họ đã ký tên vào bức thư này nhiều tháng trước và không để ý khi văn phòng của bà Jayapal gửi bức thư đi.

“Thời điểm mang tính quyết định. Tôi đã ký bức thư này vào ngày 30/6, nhưng kể từ đó đến nay, tình hình đã thay đổi rất nhiều. Nếu như là ngày hôm nay thì tôi đã không ký”, Hạ nghị sĩ bang California Sara Jacobs, một thành viên của nhóm cấp tiến, chia sẻ.

Bức thư đã ca ngợi những nỗ lực hỗ trợ Ukraine của Tổng thống Joe Biden trong khi tránh can dự trực tiếp trên thực địa. Trong thư, các nghị sĩ đề nghị đẩy mạnh nỗ lực nhằm kết thúc chiến tranh thông qua ngoại giao.

"Xét những tàn phá mà xung đột này gây ra cho Ukraine và thế giới, cũng như nguy cơ leo thang thảm khốc, chúng tôi tin rằng ngăn chặn cuộc xung đột kéo dài sẽ mang đến lợi ích cho Ukraine, Mỹ và thế giới. Vì lý do này, chúng tôi kêu gọi các ngài kết hợp viện trợ quân sự và tài chính cho Ukraine với một đường lối ngoại giao chủ động, tăng nỗ lực nhằm tìm kiếm một khuôn khổ thực tế hướng tới lệnh ngừng bắn”, bức thư đề cập.

Sau khi vấp phải phản ứng dữ dội từ các thành viên trong đảng và thu hồi bức thư, bà Jayapal nhấn mạnh các nghị sĩ Dân chủ vẫn duy trì cam kết rõ ràng để hỗ trợ Ukraine và ủng hộ chiến lược của chính quyền Tổng thống Biden.

Tuy nhiên, vẫn có những đảng viên Dân chủ muốn bảo vệ nỗ lực can dự ngoại giao trong xung đột Ukraine.

Đại biểu Ro Khanna bang California nói rằng ông không ủng hộ quyết định thu hồi bức thư của bà Jayapal.

Ông Khanna bày tỏ: “Tôi nghĩ bức thư là lẽ thường. Tôi ủng hộ việc đảm bảo trang bị vũ khí và tài chính cho Ukraine, nhưng tôi cũng tin rằng có nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân. Hãy ủng hộ Ukraine nhưng cũng hãy ủng hộ đường lối ngoại giao”.

Tại quốc hội Mỹ, các nhà lập pháp vẫn đang chia rẽ về vấn đề có tiếp tục viện trợ cho Ukraine hay không. Một số nghị sĩ đảng Cộng hòa đe dọa sẽ cắt giảm viện trợ cho quốc gia châu Âu này nếu như họ giành quyền kiểm soát quốc hội sau cuộc bầu cử tháng 11.

Về phần mình, Nhà Trắng cho biết họ đã nhận được bức thư. Điều phối viên chiến lược truyền thông của Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby phát biểu: “Chúng tôi đánh giá cao ý kiến từ các thành viên Quốc hội này. Chúng tôi đã làm việc với các nghị sĩ trong toàn bộ quá trình, đặc biệt là khi chúng tôi cần thêm kinh phí để hỗ trợ quốc phòng cho Ukraine. Việc này được thực hiện với sự cộng tác hoàn toàn minh bạch và công khai với các nhà lập pháp. Đó cũng chính là cách mà Tổng thống muốn tiếp tục sau này”.

Nhà chức trách nói thêm việc ấn định thời gian quay trở lại bàn đàm phán phụ thuộc vào Ukraine và Tổng thống Volodymyr Zelensky.

"Ông Zelensky là người quyết định khi nào là thời điểm thích hợp để đàm phán bởi vì đó là đất nước của ông ấy. Thành công ra sao, chiến thắng như thế nào và yêu cầu đàm phán là gì, chúng ta không thể can thiệp”, điều phối viên Kirby nhấn mạnh.

Bảo Hà/Báo Tin tức (Theo CNN)
Tranh cãi Nga - phương Tây xung quanh tuyên bố liên quan ‘bom bẩn’ ở Ukraine
Tranh cãi Nga - phương Tây xung quanh tuyên bố liên quan ‘bom bẩn’ ở Ukraine

Sau tuyên bố của Nga về "bom bẩn", Ukraine và các nước phương Tây liên tục đáp trả.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN