Các nhà nghiên cứu tập trung đánh giá hiệu quả của thuốc chữa đậu mùa khỉ

Ngày 23/8, một nhóm nghiên cứu của Đại học Oxford (Anh) đã công bố thử nghiệm mới mang tên "PLATINUM" để xác nhận xem thuốc kháng virus tecovirimat (Tpoxx) của SIGA Technologies (Mỹ) có phải là phương pháp điều trị hiệu quả bệnh đậu mùa khỉ hay không. Đây cũng là nhóm nghiên cứu đứng sau cuộc thử nghiệm mang tên "RECOVERY" nhằm đánh giá 4 phương pháp điều trị COVID-19 hiệu quả hiện nay.

Chú thích ảnh
Thuốc kháng virus Tecovirimat được một bệnh nhân sử dụng để điều trị bệnh đậu mùa khỉ, tại New York, Mỹ, ngày 19/7/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Dù hiện đã có vaccine phòng đậu mùa giúp giảm nguy cơ mắc đậu mùa khỉ, song vẫn chưa có phương pháp nào chứng minh được khả năng đẩy nhanh quá trình phục hồi ở những người mắc bệnh. Thuốc kháng virus tecovirimat của SIGA Technologies đã được Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ xác nhận hiệu quả trong việc điều trị các bệnh thuộc họ orthopoxvirus, bao gồm đậu mùa, đậu mùa khỉ và đậu mùa ở súc vật. Tuy nhiên, do số liệu thí nghiệm hạn chế, nên thuốc chỉ được dùng cho những trường hợp nặng tại Anh. Tại Mỹ và Canada, thuốc chỉ được cấp phép sử dụng để chữa trị đậu mùa. 

Do bệnh đậu mùa đã bị xóa sổ và số ca mắc đậu mùa ở súc vật thường chỉ lác đác xuất hiện, nên các nghiên cứu đánh giá hiệu quả của thuốc này ở những người mắc bệnh đã không được tiến hành. Hiệu quả của thuốc chỉ dựa trên nghiên cứu ở động vật bị nhiễm orthopoxvirus hoặc thử nghiệm hiệu quả của thuốc ở những người khỏe mạnh.

Chính phủ Anh đã hỗ trợ 3,7 triệu bảng Anh (4,35 triệu USD) cho dự án thử nghiệm PLATINUM. Dự án sẽ tuyển ít nhất 500 người tham gia. Những người tham gia sẽ sử dụng thuốc tecovirimat 2 lần/ngày trong 14 ngày hoặc sử dụng giả dược. Để đánh giá hiệu quả của thuốc, các nhà khoa học sẽ theo dõi tỷ lệ lành vết thương, thời gian để bệnh nhân có kết quả âm tính với virus, tỷ lệ bệnh nhân nhập viện do biến chứng. Giáo sư về các bệnh truyền nhiễm khẩn cấp và y tế toàn cầu tại Đại học Oxford, Peter Horby bày tỏ hy vọng sẽ có kết quả thử nghiệm trước Giáng sinh, song điều này còn phụ thuộc vào khả năng tuyển người tham gia.

Đầu tháng này, giới chức Mỹ cho biết đang lên kế hoạch tiến hành thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên để quyết định xem liệu tecovirimat có được Mỹ cấp phép để điều trị đậu mùa khỉ hay không.

SIGA Technologies bán cả thuốc tecovirimat dạng uống và dạng tiêm. Công ty này đã nhận được đơn đặt hàng trị giá 60 triệu USD đối với thuốc tecovirimat dạng uống trong năm nay. Trong khi đó, vaccine ngừa đậu mùa khỉ do công ty Bavarian Nordic (Đan Mạch) sản xuất lại đang khan hiếm nguồn cung, khiến nhiều nước phải tiết kiệm liều tiêm chủng.

Ngày 23/7 vừa qua, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu vì dịch đậu mùa khỉ. Đây là cấp độ cảnh báo cao nhất đối với một đợt bùng phát dịch bệnh. Đến nay, bệnh đậu mùa khỉ đã lan tới 89 quốc gia và khu vực, với trên 40.000 ca mắc bệnh và 12 trường hợp tử vong. Châu Âu và châu Mỹ là những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Trong bối cảnh nguồn cung vaccine hạn chế trên toàn cầu, các nhà chức trách đang chạy đua để ngăn chặn bệnh đậu mùa khỉ trước khi căn bệnh này bùng phát thành đại dịch.

Đặng Ánh (TTXVN)
Khan hiếm vaccine - trở ngại chính đối với chiến lược ngăn chặn virus đậu mùa khỉ
Khan hiếm vaccine - trở ngại chính đối với chiến lược ngăn chặn virus đậu mùa khỉ

Giới chức y tế cho biết sự phụ thuộc vào nguồn vaccine khan hiếm và những hoài nghi về tác dụng của vaccine đang cản trở những nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của virus đậu mùa khỉ trên toàn cầu, trong bối cảnh bệnh này lần đầu tiên lan ra hàng chục quốc gia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN