Campuchia đối phó với quyết định dừng ưu đãi thương mại của EU

Chính phủ Campuchia vừa công bố một số biện pháp nhằm hỗ trợ các nhà chế tạo và xuất khẩu trong nước trong trường hợp Liên minh châu Âu (EU) tạm thời hủy bỏ các ưu đãi thương mại dành cho nước này.

Chú thích ảnh
Một dây chuyền may xuất khẩu tại Campuchia. Ảnh: Xuân Khu/TTXVN

Ngày 12/2, EU thông báo bắt đầu quá trình xem xét kéo dài 18 tháng để đưa ra quyết định về việc rút Campuchia khỏi chương trình ưu đãi thương mại đối với tất cả mặt hàng trừ vũ khí (EBA). Đây là chương trình ưu đãi mà EU dành cho các nước kém phát triển trên thế giới, trong đó có Campuchia, qua đó miễn thuế và miễn áp đặt hạn ngạch đối với những quốc gia này.

Cùng ngày, Bộ Thương mại Campuchia thông báo đã hủy bỏ Phí Quản lý Xuất khẩu (EMF) đối với các doanh nghiệp xuất khẩu của nước này. Điều này có nghĩa là những công ty trên không phải nộp phí làm Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (CO). Ngoài ra, các công ty xuất khẩu của Campuchia cũng không cần thực hiện quy trình CO nếu như các nước đối tác nhập khẩu không yêu cầu thủ tục này. Theo quy định, phí xin cấp CO đối với lô hàng may mặc có số lượng dưới 2.000 sản phẩm hoặc dưới 200 đôi giày lên tới 23 USD.

Bộ Thương mại Campuchia cũng đã rút nhân viên của Cơ quan chống gian lận và thanh tra xuất nhập khẩu (CamControl) tại tất cả cửa khẩu của nước này nhằm tạo điều kiện cho hoạt động giao thương. Ngoài ra, các bộ và cơ quan liên quan của Campuchia đã xem xét một số biện pháp khác nhằm giảm chi phí sản xuất, phí giao thông, cũng như giảm thuế điện. Theo Bộ Thương mại Campuchia, những biện pháp hỗ trợ này có thể khiến Chính phủ Campuchia thiệt hại hàng triệu USD mỗi năm.

Campuchia là nhà cung cấp hàng may mặc lớn thứ sáu cho EU. Hiện có tới 700.000 lao động Campuchia làm việc trong lĩnh vực này. Theo Hiệp hội các nhà sản xuất hàng may mặc Campuchia, nếu EU chấm dứt EBA dành cho Campuchia, mức thuế đối với các phẩm may mặc của nước này sẽ tăng 12%, trong khi mức thuế đối với hàng da giày tăng 8 điểm phần trăm lên 17%.

Trước đó, trên tài khoản Facebook, Thủ tướng Chính phủ Campuchia Samdech Techo Hun Sen khẳng định nước này sẽ vẫn đứng vững và tiếp tục phát triển. Theo ông, các cơ quan chức năng của Campuchia sẽ tiếp tục giảm chi phí kiểm tra hàng hóa và một số thủ tục hải quan khác nhằm đối phó với động thái trên của EU.

Minh Trang/TTXVN (Theo THX)
Ngành dệt may Campuchia 'sốt vó' vì EU hủy bỏ ưu đãi thương mại
Ngành dệt may Campuchia 'sốt vó' vì EU hủy bỏ ưu đãi thương mại

Hiệp hội các nhà sản xuất hàng may mặc Campuchia (GMAC) vừa lên tiếng kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) không đình chỉ các ưu đãi thương mại cho nước này, do bất kỳ biện pháp trừng phạt nào từ EU cũng có thể dẫn đến những tác động bất lợi đến cuộc sống của người lao động và gia đình họ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN