Cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực thu hút nhân tài công nghệ

Mỹ cần Chương trình "triệu tài năng" để duy trì ưu thế công nghệ trước Trung Quốc. Đó cũng là cách để Washington thúc đẩy cũng như bảo vệ hệ sinh thái công nghệ của nước này.

Chú thích ảnh
Mỹ cần cải thiện chính sách nhập cư để thu hút nhân tài trong lĩnh vực công nghệ. Ảnh: RP

Bước đi quan trọng nhất mà Mỹ có thể thực hiện để duy trì ưu thế công nghệ mà họ đã có kể từ Thế chiến II là gì? Theo bình luận của Giáo sư Graham Allison tại Trường Harvard Kennedy và Eric Schmidt, Chủ tịch điều hành của Google trên tờ Chính sách Đối ngoại Mỹ mới đây, câu trả lời rõ ràng: Tích cực tuyển dụng những bộ óc tài năng nhất trên thế giới và chào đón họ vào một xã hội nơi họ có cơ hội thực hiện ước mơ của mình. 

Từ nhà vật lý Albert Einstein và các nhà khoa học châu Âu khác, những người đã giúp Mỹ giành chiến thắng trong Thế chiến thứ hai và đặt chân lên mặt Trăng đến những người sáng lập Intel, Google, eBay, Uber và nhiều công ty công nghệ đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, những người nhập cư thông minh và đầy tham vọng từng là điều thú vị bí mật của nước này.

Để duy trì vị thế dẫn đầu về công nghệ của Mỹ trước thách thức kinh tế và quân sự ghê gớm từ Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Joe Biden nên khởi động động lực khẩn cấp để tuyển dụng và giữ chân 1 triệu tài năng công nghệ trên khắp thế giới vào cuối nhiệm kỳ đầu tiên của ông.

Đó không chỉ là vấn đề thu hút những người nhập cư mới mà còn cần giữ lại những tài năng sáng giá ở trong nước. Năm 2009, một sinh viên người Thổ Nhĩ Kỳ tốt nghiệp Học viện Công nghệ California và Học viện Công nghệ Massachusetts, Erdal Arikan, đã viết một bài báo giải quyết một vấn đề cơ bản trong lý thuyết thông tin, cho phép truyền dữ liệu nhanh hơn và chính xác hơn nhiều. Không nhận được sự tài trợ hoặc ủng hộ vấn đề có vẻ mởi mẻ này ở Mỹ, Erdal Arikan đã phải quay về Thổ Nhổ Kỳ để tìm kiếm những người quan tâm đến dự án của mình. 

Sau đó, Arikan đã quay sang Trung Quốc. Hóa ra, ý tưởng sâu sắc của Arikan là bước đột phá cần thiết để chuyển từ mạng viễn thông 4G sang dịch vụ Internet di động 5G. Bốn năm sau, tập đoàn viễn thông hàng đầu của Trung Quốc Huawei, đã sử dụng ý tưởng của Arikan để phát minh ra một số công nghệ 5G đầu tiên. 

Ngày nay, Huawei nắm giữ hơn 2/3 số bằng sáng chế liên quan đến giải pháp của Arikan - nhiều hơn 10 lần so với đối thủ cạnh tranh gần nhất. Và trong khi Huawei đã sản xuất  một phần ba cơ sở hạ tầng 5G hiện đang hoạt động trên khắp thế giới, Mỹ không có một công ty lớn nào cạnh tranh trong cuộc đua này. Nếu Mỹ có thể giữ chân Arikan - chỉ đơn giản bằng cách cho phép ở lại Mỹ thay vì cấp thị thực vốn phụ thuộc vào việc tìm ngay một nhà tài trợ cho công việc - lịch sử này có thể đã khác.

Những câu chuyện tương tự đã quá phổ biến. Những người sáng lập của các công ty hàng đầu Trung Quốc về chất bán dẫn, điện thoại thông minh và giao hàng dựa trên ứng dụng — Semiconductor Manufacturing International Corporation, Xiaomi và Meituan - đều được đào tạo tại các trường đại học Mỹ.

Như chúng ta đã biết, thế giới toàn cầu hóa ngày nay cho phép những cá nhân tài năng có thể lựa chọn và theo đuổi tham vọng của họ ở bất cứ đâu. Với dân số lớn gấp 4 lần Mỹ, Trung Quốc có nguồn nhân tài lớn hơn Mỹ rất nhiều. Nhưng trong một thế giới mà tiếng Anh đã trở thành ngôn ngữ quốc tế và là một đất nước tự hào là quốc gia của những người nhập cư, Mỹ có lợi thế lớn là có thể thu hút những bộ óc kỹ thuật tài năng nhất thế giới.

Để tận dụng lợi thế lớn nhất của Mỹ, Tổng thống Biden nên ngay lập tức công bố cam kết tuyển dụng 1 triệu tài năng nhất về kỹ thuật trên thế giới. Để đạt được mục tiêu này, Quốc hội Mỹ nên hợp lý hóa các quy tắc nhập cư và thiết lập các chương trình để tuyển dụng và giữ chân các tài năng công nghệ đã thành danh và những sinh viên giỏi nhất thế giới nghiên cứu các công nghệ tiên tiến. 

Chú thích ảnh
Nhà vật lý người Đức Albert Einstein tuyên thệ khi trở thành công dân Mỹ năm 1940. Ảnh: GI

Giám đốc CIA William Burns từng xác định cuộc chạy đua công nghệ là “đấu trường chính để cạnh tranh và ganh đua” với Trung Quốc. Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình năm ngoái đã nói rằng “đổi mới công nghệ đã trở thành chiến trường chính của sân chơi toàn cầu và cạnh tranh để thống trị công nghệ sẽ ngày càng khốc liệt chưa từng có”. Bất kỳ ai chiến thắng trong cuộc đua tìm kiếm tài năng công nghệ sẽ phát triển các công nghệ đột phá mang lại lợi thế kinh tế và quân sự mang tính quyết định.

Một báo cáo tháng 12/2021 của Trung tâm Belfer thuộc Trường Harvard Kennedy về “Đối thủ công nghệ vĩ đại” (mà một trong số chuyên gia của bài viết này là đồng tác giả) cho thấy rằng trong Thế giới công nghệ, Trung Quốc, dù xuất phát sau Mỹ rất nhiều, nhưng đã tăng tốc trong nhiều lĩnh vực, bao gồm công nghệ xanh, viễn thông 5G, nhận dạng khuôn mặt, nhận dạng giọng nói và fintech. Mỹ hiện vẫn có lợi thế đáng kể trong thiết kế bán dẫn, công nghệ sinh học, công nghệ hàng không vũ trụ và cảm biến lượng tử.

Trung Quốc có lợi thế đáng kể trong hệ thống giáo dục của mình, đào tạo ra nhiều sinh viên cử nhân hơn gấp 4 lần và sinh viên tốt nghiệp và tiến sĩ nhiều hơn gấp 2 lần trong lĩnh vực STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) so với Mỹ mỗi năm. Ngược lại, như Ủy ban An ninh Quốc gia Mỹ về Trí tuệ Nhân tạo đã báo cáo, số lượng sinh viên sinh ra tại Mỹ tham gia các chương trình tiến sĩ về trí tuệ nhân tạo (AI) đã không tăng kể từ năm 1990. Là một phần trong nỗ lực thu hẹp khoảng cách với Trung Quốc, Mỹ nên tăng gấp đôi chi tiêu cho các chương trình giáo dục STEM và việc làm tại nhà để hỗ trợ những người Mỹ có khả năng trở thành nhà phát minh và doanh nhân thế hệ tiếp theo.

Điểm yếu lớn của Trung Quốc là không có khả năng thu hút nhân tài từ các nước khác. Trong khi Mỹ có thể tuyển dụng từ tất cả 7,9 tỷ người trên Trái đất, thì Trung Quốc về cơ bản đã tự giới hạn dân số của mình là 1,4 tỷ người. Trung Quốc nhập quốc tịch cho ít hơn  100 công dân  mỗi năm, trong khi Mỹ nhập quốc tịch gần 1 triệu người mỗi năm.

Các rào cản đối với Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh trên mặt trận này là thói quen không thiện cảm với người nước ngoài đã khắc sâu và một ngôn ngữ khó học được ít người bên ngoài Trung Quốc sử dụng. Mặc dù Chính phủ Trung Quốc thừa nhận rằng họ đang  thiếu hụt nhân tài nghiêm trọng - ví dụ, họ thiếu khoảng 1,7 triệu kỹ sư thuật toán và 300.000 chuyên gia bán dẫn so với nhu cầu của thị trường - nhưng nước này đã không thể vượt qua những trở ngại trong việc tuyển dụng những người không phải là người Trung Quốc.

Mặc dù Chính phủ Mỹ đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút và chào đón các nhà khoa học như Einstein trong những năm trước Thế chiến II và những nhân tài khác đã đóng góp cho quốc phòng Mỹ trong Chiến tranh Lạnh, nhưng trong những thập kỷ gần đây, Chính phủ đã giao công việc này cho các công ty tư nhân và trường đại học. Các công ty công nghệ tiên tiến - bao gồm Amazon, Apple, Google, Meta, Microsoft và nhiều công ty khác - hiện đang là đầu tàu  trong  việc tuyển dụng các nhân tài. 

Tóm lại, sự vĩ đại của nước Mỹ không chỉ được tiếp sức bởi tài năng "cây nhà lá vườn" mà còn bởi những thế hệ người nhập cư kế tiếp. Do đó, Chương trình "triệu tài năng" có thể giúp Mỹ duy trì ưu thế trong cuộc cạnh tranh công nghệ khốc liệt nhất sắp tới mà thế giới từng chứng kiến.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo foreignpolicy.com)
Đã đến lúc Mỹ thúc đẩy ngoại giao chấm dứt xung đột ở Ukraine?
Đã đến lúc Mỹ thúc đẩy ngoại giao chấm dứt xung đột ở Ukraine?

Với bế tắc, tổn thất kéo dài ở phía trước, những tác động tiêu cực của cuộc xung đột Nga - Ukraine đối với toàn thế giới sẽ tiếp tục gia tăng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN