Chính phủ Lào 'bật đèn xanh' cho dự án điện gió 1.200 MW ở miền Trung

Theo phóng viên TTXVN tại Lào, trong một nỗ lực nhằm thúc đẩy năng lượng tái tạo ở Đông Nam Á, Chính phủ Lào vừa ký Thỏa thuận phát triển dự án điện gió có công suất lên tới 1.200 MW tại huyện Sepon, thuộc tỉnh Savannakhet (Trung Lào), giáp giới với Việt Nam.

Truyền thông Lào đánh giá đây không chỉ là dự án điện gió lớn nhất tại quốc gia này tính tới thời điểm hiện nay, mà còn đánh dấu một cột mốc quan trọng trong hành trình hướng tới năng lượng sạch và phát triển bền vững của Lào.

Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 2 tỷ USD được ký giữa Chính phủ Lào với Công ty TNHH Năng lượng Tái tạo Savan Vayu (SVARE), sản xuất điện không chỉ phục vụ cho thị trường trong nước, mà còn hướng tới mục tiêu xuất khẩu, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng của khu vực. 

Dự kiến, khi đi vào hoạt động trong đầu năm 2026, dự án sẽ giúp tạo ra năng lượng sạch và góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, tạo ra cơ hội việc làm đáng kể trong suốt quá trình xây dựng và vận hành, mà còn giúp tăng cường đáng kể năng lực năng lượng tái tạo của Lào và góp phần hiện thực hóa mục tiêu năng lượng tái tạo mà nước này đã đề ra vào năm 2030.

Dự án trên là một trong nhiều dự án năng lượng tái tạo được Chính phủ Lào ký với các đối tác phát triển trong những năm gần đây, nhằm phát triển năng lượng sạch, phục vụ mục đích thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững và đáp ứng mục tiêu nhằm giảm mức phát thải khí nhà kính của nước này xuống bằng 0 vào năm 2050.

Lào có chính sách năng lượng định hướng xuất khẩu và kỳ vọng sẽ trở thành “bình ắc quy” của Đông Nam Á trong tương lai gần thông qua việc tăng cường xuất khẩu điện năng sang các nước láng giềng và tăng cường phát triển các nguồn năng lượng sạch. 

Để đạt được mục tiêu trên, trong nhiều năm qua, Chính phủ Lào đã tích cực tập trung phát triển nguồn điện, cơ sở hạ tầng liên quan… Số liệu của Bộ Năng lượng và Mỏ Lào công bố vào cuối năm 2023 cho thấy, nước này hiện có 94 nhà máy sản xuất điện, với tổng công suất lắp đặt hơn 11.600 MW, trong đó có 81 nhà máy thủy điện, số còn lại là các nhà máy nhiệt điện, điện Mặt Trời, sinh khối... 

Hiện khoảng 80% điện năng sản xuất tại Lào được bán cho các nước láng giềng gồm Thái Lan, Trung Quốc, Myanmar, Việt Nam, Campuchia và Singapore, trong đó Thái Lan và Việt Nam là hai thị trường nhập khẩu điện lớn nhất của Lào.

Phạm Kiên - Bá Thành (TTXVN)
Trang trại điện gió ngoài khơi quy mô thương mại đầu tiên của Mỹ do CIP phát triển bắt đầu phát điện
Trang trại điện gió ngoài khơi quy mô thương mại đầu tiên của Mỹ do CIP phát triển bắt đầu phát điện

Copenhagen Infrastructure Partners (CIP), tập đoàn hàng đầu thế giới chuyên đầu tư phát triển năng lượng xanh, vừa công bố Vineyard Wind, trang trại điện gió ngoài khơi quy mô lớn đầu tiên của Mỹ do CIP phát triển, lần đầu tiên được hòa vào lưới điện vùng New England.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN