Hệ thống đặt vé đường sắt BRI của Trung Quốc chấm dứt việc sử dụng đồng USD

Trung Quốc vừa phát triển một hệ thống bán vé tàu đối với tuyến đường sắt thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), hợp nhất cùng với các nền tảng bán vé khác nhau ở hơn 140 quốc gia trên một ứng dụng điện thoại thông minh.

Chú thích ảnh
Trung Quốc ra mắt ứng dụng đặt vé trên điện thoại thông minh đối với tuyến đường sắt nối liền các quốc gia tham gia Sáng kiên Vành đai và Con đường. Ảnh: Tân Hoa Xã

Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), hệ thống này được thiết kế riêng cho các quốc gia là thành viên của Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường do Trung Quốc dẫn đầu - chiến dịch đầu tư cơ sở hạ tầng lớn nhất thế giới được khởi động vào năm 2013 - và sẽ tự động truy cập, điều phối các nền tảng bán vé.

Lào là quốc gia đầu tiên đăng ký nền tảng này. Du khách có thể sử dụng điện thoại thông minh để đặt vé từ ngày 15/3.

Theo một bài báo được xuất bản trên tạp chí tiếng Trung Quốc Vận tải và Kinh tế Đường sắt hồi tháng 3, các máy chủ chính được đặt trong Trung Quốc đại lục có thể xử lý các yêu cầu từ hành khách trên khắp thế giới bằng các ngôn ngữ khác nhau.

Hệ thống này là sản phẩm của nhóm khoa học thuộc Học viện Khoa học Đường sắt Trung Quốc, một cơ quan nghiên cứu của chính phủ giám sát sự phát triển của công nghệ tàu mới.

Nhóm nghiên cứu cho biết thay vì đồng USD, hệ thống bán sẽ sẽ sử dụng đồng franc Thụy Sĩ làm tiền tệ tiêu chuẩn cho giao dịch quốc tế.

“Việc thanh toán bằng đồng franc Thụy Sĩ tại các quốc gia khác nhau sẽ được báo cáo hàng tháng. Các nhà nghiên cứu cho biết hệ thống này cung cấp các chức năng hỗ trợ dữ liệu như xác minh thông tin, thanh toán điện tử và hoàn trả vé”, nhóm nghiên cứu giải thích.

Ứng dụng bán vé cho tuyến đường sắt Vành đai và Con đường là phiên bản quốc tế của 12306 - ứng dụng bán vé tàu nội địa của Trung Quốc. Ứng dụng này ra mắt vào năm 2011 nhưng vào thời điểm đó, nó không được người dùng đánh giá cao vì liên tục gặp sự cố.

Sau này, với sự giúp sức từ các ông lớn công nghệ Trung Quốc, 12306 được xây dựng lại và trở thành ứng dụng đặt vé phổ biến nhất Trung Quốc, với gần 700 triệu lượt người đăng ký – gần một nửa dân số quốc gia.

Vào những kỳ nghỉ lễ đông đúc như Tết Nguyên đán, ứng dụng có thể xử lý 200 tỷ lượt khách mỗi ngày, xuất hơn 1.500 vé mỗi giây mà không gặp trục trặc gì.

Theo nhóm nghiên cứu, việc đưa hệ thống quản lý vé từ nhiều quốc gia lên một nền tảng là điều không hề dễ dàng.

“Hệ thống cần hỗ trợ các cơ chế bán vé khác nhau ở các quốc gia sở tại khác nhau với cơ cấu tổ chức và quy tắc số ghế khác nhau, đồng thời cung cấp các dịch vụ thuận tiện cho các chức năng quản lý ghế trong nước và xuyên biên giới”, nhóm nghiên cứu nêu rõ trong bài báo.

Tại Trung Quốc, hành khách chỉ cần xuất trình chứng minh nhân dân là có thể lên tàu nhưng một số quốc gia vẫn sử dụng vé giấy. Chính vì vậy, ứng dụng đặt vé quốc tế của Trung Quốc cần đảm bảo hoạt động trơn tru trong các môi trường vô cùng khác nhau.

Việc bảo vệ dữ liệu nhạy cảm và quyền riêng tư của hành khách cũng đặt ra một số thách thức lớn.

Để đạt được các mục tiêu dường như trái ngược nhau về tính mở và tính bảo mật, hệ thống sẽ sử dụng phần mềm nguồn mở dựa trên công nghệ cốt lõi được phát triển ở Trung Quốc. Nhóm nghiên cứu cho biết các máy chủ chính cũng sẽ được điều hành và bảo trì bởi các kỹ sư có kinh nghiệm dưới sự bảo vệ của các chính sách bảo mật cực cao.

Lào là quốc gia đầu tiên đăng ký hệ thống này, trong đó hành khách ở quốc gia nhỏ không giáp biển này có thể mua vé bằng điện thoại thông minh từ ngày 15/3.

Theo nhóm tác giả, Nga, Mông Cổ, Kazakhstan và Việt Nam có thể sớm làm theo. Họ hy vọng công nghệ này sẽ đặt nền móng cho tất cả các quốc gia cùng nhau thiết lập một nền tảng đặt vé thông minh, tiêu chuẩn hóa và thống nhất cho vận tải quốc tế.

Chỉ trong 15 năm, Trung Quốc đã xây dựng hơn 42.000km đường sắt cao tốc trong nước, đủ dài để đi men theo đường xích đạo vòng quanh Trái đất.

Các khoản đầu tư cho BRI của Trung Quốc cũng chứng kiến ​​việc xây dựng đường sắt cao tốc và các tuyến vận tải hàng hóa hạng nặng ở các quốc gia khác. Bắc Kinh đang thúc đẩy tiêu chuẩn hóa và tích hợp mạng lưới đường sắt trải dài khắp Đông Âu, Đông Nam Á và châu Phi.

Một bài viết đăng ngày 18/3 trên Nhân dân Nhật báo cho biết việc kết nối mạng lưới đường sắt ở các nước Đông Nam Á – như Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaysia và Singapore – sẽ giảm đáng kể chi phí vận tải và đi lại.

Động thái này cũng sẽ đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế và làm sâu sắc thêm mối quan hệ của Trung Quốc với khu vực.

Bảo Hà/Báo Tin tức (Theo SCMP)
Trung Quốc tìm cách thúc đẩy Sáng kiến Vành đai và Con đường tại Bangladesh
Trung Quốc tìm cách thúc đẩy Sáng kiến Vành đai và Con đường tại Bangladesh

Ủy viên Quốc vụ kiêm Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết nước này sẵn sàng tăng cường kết hợp giữa Sáng kiến Vành đai, Con đường (BRI) với Tầm nhìn 2041 của Bangladesh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN