Iran kêu gọi các nước hành động thực chất để cứu vãn thỏa thuận hạt nhân

Các bên còn lại tham gia ký kết thỏa thuận hạt nhân Iran cần phải hành động để cứu vãn hiệp định này bởi việc chỉ dừng lại ở "những tuyên bố mang tính ủng hộ" là không đủ.

Lời kêu gọi trên được Ngoại trưởng Iran Javad Zarif đưa ra trong bối cảnh thỏa thuận hạt nhân lịch sử mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) mà Tehran ký năm 2015 với các cường quốc có nguy cơ đổ vỡ sau khi Mỹ rút khỏi văn kiện này và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Tehran.

Chú thích ảnh
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif phát biểu tại Tehran. Ảnh: IRNA/TTXVN

Trao đổi với hãng thông tấn nhà nước IRNA trước khi rời Nhật Bản tới Trung Quốc, Ngoại trưởng Zarif nhấn mạnh: “Có thể bảo vệ thỏa thuận hạt nhân thông qua những biện pháp thiết thực, chứ không chỉ thông qua  những tuyên bố ủng hộ”.

Hồi tuần trước, Iran đã tuyên bố ngừng thực thi một số cam kết tự nguyện trong JCPOA mà nước này đã ký với Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức), dù vẫn duy trì tuân thủ văn kiện. Động thái này của Iran được xem là nhằm đáp trả các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào Tehran sau khi Washington rút khỏi JCPOA hồi năm ngoái. Tehran cũng yêu cầu các nước tham gia ký kết khác hỗ trợ bảo vệ nền kinh tế của nước này trước các lệnh trừng phạt của Washington.

Về phần mình, Mỹ đã điều động nhiều khí tài quân sự hạng nặng, trong đó có các máy bay ném bom và hàng không mẫu hạm tới Trung Đông trong một động thái được cho là nhằm đối phó với mối đe dọa từ Iran. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo tối cao của Iran - Đại giáo chủ Ali Khamenei ngày 14/5 khẳng định sẽ không có bất cứ cuộc chiến tranh nào với Mỹ.

Theo JCPOA, Iran hạn chế chương trình hạt nhân mà phương Tây lo ngại có thể sẽ dẫn tới việc chế tạo bom hạt nhân. Đổi lại, các quốc gia phương Tây đồng ý gỡ bỏ mọi biện pháp trừng phạt nhằm vào Tehran. Tháng 5/2018, Mỹ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran với lý do nội dung thỏa thuận "quá hào phóng" với Tehran, không siết chặt các hoạt động thử tên lửa đạn đạo hay hạn chế việc Iran tham gia vào các cuộc xung đột trong khu vực.

Theo đó, Mỹ áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt Iran. Sau động thái này của Washington, các quốc gia châu Âu đã nỗ lực tìm cách cứu vãn thỏa thuận. EU đã thông báo thiết lập Công cụ hỗ trợ trao đổi thương mại để đảm bảo duy trì các hoạt động thương mại với Iran, qua đó bảo vệ lợi ích của nước Cộng hòa Hồi giáo này trong bối cảnh Mỹ áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt. Tuy nhiên, cho đến nay, cơ chế này vẫn chưa đi vào hoạt động và Iran nhiều lần thể hiện sự mất kiên nhẫn đối với EU.

Phương Oanh (TTXVN)
Iran không muốn thương lượng với Mỹ về thỏa thuận hạt nhân
Iran không muốn thương lượng với Mỹ về thỏa thuận hạt nhân

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif ngày 16/5 cho biết ông không quan tâm tới việc thương lượng với Washington, sau khi Tổng thống Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) mà Tehran ký năm 2015 với các cường quốc, và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Tehran.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN