Mỹ, Trung Quốc và Triều Tiên theo dõi sát sao cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc

Người giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới tại Hàn Quốc có thể tìm hướng đi khác trong chính sách đối ngoại. Do vậy, Triều Tiên, Mỹ và Trung Quốc đều theo dõi sát cuộc bầu cử dự kiến diễn ra ngày 9/3 này.

Chú thích ảnh
Ứng cử viên Lee Jae-myung đảng Dân chủ (DP) cầm quyền. Ảnh: CNBC

Kênh CNBC (Mỹ) cho biết ông Yoon Seok-youl thuộc đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) đối lập chính và ông Lee Jae-myung của đảng Dân chủ (DP) cầm quyền đang là hai ứng cử viên hàng đầu trong cuộc bầu cử Tổng thống Hàn Quốc năm nay. Công ty nghiên cứu Gallup Hàn Quốc đã tiến hành hàng loạt cuộc khảo sát ý kiến và thu được kết quả cả ông Yoon Seok-youl cùng đối thủ Lee Jae-myung đều “ngang cơ nhau”, phản ánh một cuộc bầu cử gay cấn sắp diễn ra.

Trong cuộc khảo sát thực hiện trên 1.000 người trưởng thành vào ngày 25/2, tỷ lệ ủng hộ đối với ông Lee Jae-myung là 38% trong khi ông Yoon Seok-youl là 37%. Một cuộc khảo sát khác thực hiện vào đầu tháng 2 cho kết quả cả 2 ứng viên đều nhận được tỷ lệ ủng hộ ở mức 35%.

Vấn đề kinh tế đang được cử tri Hàn Quốc quan tâm hàng đầu trong cuộc bầu cử lần này. Tuy nhiên, các vụ thử tên lửa của Triều Tiên, tâm lý phản đối Trung Quốc trong nước và chính sách đối ngoại cũng là những nội dung được cử tri Hàn Quốc theo sát. Nhưng mỗi ứng cử viên lại có quan điểm khác nhau về quan hệ với Triều Tiên, Trung Quốc và Mỹ. Do vậy, người chiến thắng trong cuộc bầu cử sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới tương lai địa chính trị của Hàn Quốc trong thời gian tới.

Triều Tiên

Kể từ đầu năm đến nay, Triều Tiên đã thực hiện hàng loạt vụ thử tên lửa trong bối cảnh đối thoại ngoại giao với Mỹ và các nước đồng minh tiếp tục “đóng băng”. Gần đây nhất, các quan chức Hàn Quốc và Nhật Bản cho biết vào hôm 27/2, Bình Nhưỡng đã phóng thử quả đạn được cho là tên lửa đạn đạo tầm trung.

Ông Yoon Seok-youl với quan điểm bảo thủ cho rằng Bình Nhưỡng cần phải phi hạt nhân hóa trước khi hai miền Triều Tiên thống nhất về hỗ trợ kinh tế và các hiệp ước hòa bình. Cuối tháng 11/2021, ông Yoon Seok-youl nhận định với tờ Kookmin Ilbo rằng ông cân nhắc hủy Thỏa thuận quân sự toàn diện 2018, một cột mốc ngoại giao của chính quyền Tổng thống Moon Jae-in, nếu Triều Tiên không thay đổi lập trường.

Ngoài ra, ông Yoon Seok-youl còn nhấn mạnh vấn đề tổ chức các cuộc tập trận chung với Mỹ, vốn được giảm quy mô kể từ năm 2018. Nhà phân tích Fei Xue tại tổ chức nghiên cứu Economist Intelligence Unit (EIU) nhận định việc khôi phục các cuộc tập trận chung có thể khiến Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un bất bình.

Chú thích ảnh
Ứng cử viên Yoon Seok-youl phát biểu tại một sự kiện vào tháng 11/2021. Ảnh: CNBC

Ngược lại, ứng cử viên Lee Jae-myung lại ủng hộ các phương pháp tiếp cận của Tổng thống Moon Jae-in trong ngoại giao và kinh tế với Triều Tiên, coi đây là công cụ dẫn đến phi hạt nhân hóa. Ông còn ủng hộ nới lỏng các lệnh trừng phạt nếu Triều Tiên tuân thủ. Ứng cử viên này cởi mở với việc tuyên bố kết thúc Chiến tranh Triều Tiên để đưa Bình Nhưỡng quay trở lại bàn đàm phán.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng ông Lee Jae-myung nhiều khả năng sẽ không dập khuôn các chính sách của Tổng thống Moon Jae-in. Nhà nghiên cứu Jenny Town tại Trung tâm Stimson (Mỹ) đánh giá: “Trong khi Tổng thống Moon Jae-in đã đầu tư rất nhiều vào việc thiết kế một hội nghị thượng đỉnh liên Triều và cố gắng xây dựng mối quan hệ bền vững, hợp tác với Triều Tiên, thì nhiều khả năng ông Lee Jae-myung lại duy trì nguyên tắc chung sống hòa bình trong khi không muốn sử dụng quá nhiều vốn chính trị để cố gắng đạt được điều đó, đặc biệt trong trường hợp Bình Nhưỡng bất hợp tác”.

Trung Quốc và Mỹ

Chú thích ảnh
Các ứng cử viên trong cuộc bầu cử Tổng thống Hàn Quốc năm 2022. Ảnh: Reuters

Một làn sóng phản đối Trung Quốc đã nổ ra trên truyền thông Hàn Quốc trong thời gian gần đây bắt nguồn từ những tranh cãi xảy ra tại Olympic mùa Đông Bắc Kinh 2022. Kết hợp với lo ngại của Seoul về lập trường của Bắc Kinh đối với các nước khác trên Biển Đông và Ấn Độ-Thái Bình Dương, vấn đề Trung Quốc đã trở thành tâm điểm trong cuộc bầu cử Hàn Quốc.

Quan điểm của Hàn Quốc về Trung Quốc cũng liên quan chặt chẽ đến mối quan hệ của nước này với Mỹ. Bà Jenny Town nhận định: “Ứng cử viên Lee Jae-myung dự kiến tuân thủ mối quan hệ chiến lược không rõ ràng với Trung Quốc, ông ấy muốn cân bằng quan hệ an ninh và kinh tế”. Ông Lee Jae-myung hiểu rằng Hàn Quốc cần sự ủng hộ của Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên cũng như kinh tế.

Ông Fei Xue bổ sung: “Ứng cử viên Lee Jae-myung lo ngại về ảnh hưởng của Trung Quốc về kinh tế đối với Hàn Quốc do vậy sẽ có lập trường trung lập. Nhưng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ khiến đường hướng này khó duy trì”.

Ông Yoon Seok-youl trong khi đó hướng đến hợp tác an ninh chặt chẽ hơn với Mỹ, đặc biệt ủng hộ triển khai Hệ thống Phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), vốn chắc chắn bị Trung Quốc phản đối mạnh mẽ. Việc triển khai THAAD đã dẫn đến căng thẳng giữa Bắc Kinh và Seoul giai đoạn 2016-2017, khi các lĩnh vực du lịch, mỹ phẩm và ngành giải trí Hàn Quốc bị thị trường Trung Quốc tẩy chay.

Bên cạnh đó, ứng cử viên Đảng Quyền lực nhân dân (PPP) còn muốn Hàn Quốc gia nhập nhóm "Bộ tứ Kim cương" (còn gọi là QUAD) bao gồm Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và Mỹ và chương trình chia sẻ thông tin tình báo Five Eyes. Ông Fei Xue nhận định Bắc Kinh chắc chắn phản đối những động thái này.

Trong một cuộc tranh luận trên truyền hình vào tháng 2, ông Yoon Seok-youl cho rằng mối quan hệ của Hàn Quốc với Mỹ và Nhật Bản đã phai mờ bởi “ngoại giao thân Trung Quốc và Triều Tiên”. Ông khẳng định sẽ thay đổi điều này.

Mặc dù mỗi ứng cử viên lại có lập trường căn bản khác biệt về quan hệ liên Triều, Mỹ và Trung Quốc nhưng nhiều nhà phân tích cho rằng an ninh và chính trị châu Á-Thái Bình Dương không tạo điều kiện cho thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại.

Bà Town đánh giá: “Trong thời gian sắp tới cho đến trung hạn, Hàn Quốc có thể rơi vào tình thế khó xử khi họ xử trí với cạnh tranh Mỹ-Trung cùng lúc củng cố khả năng phòng thủ của mình trước những cải tiến đáng kể về vũ khí của Triều Tiên”.

Chú thích ảnh
Cử tri được yêu cầu thực hiện vệ sinh khử khuẩn trước khi vào điểm bỏ phiếu sớm ở Ga Seoul ngày 4/3/2022. Ảnh: Anh Nguyên - PV TTXVN tại Hàn Quốc

Tại Seoul, ngày 4/3, cử tri Hàn Quốc đã bắt đầu tham gia bỏ phiếu sớm bầu cử tổng thống tại 3.552 điểm bỏ phiếu trên toàn quốc. Thời gian bỏ phiếu sớm diễn ra trong 2 ngày, 4 và 5/3, bắt đầu từ 6h (giờ địa phương) đến 18h cùng ngày.

Ủy ban Bầu cử Trung ương Hàn Quốc (NEC) cho biết tổng số cử tri đủ điều kiện tham gia bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống lần thứ 20 này là 44.197.692 cử tri, trong đó khoảng 44,16 triệu cử tri trong nước và 29.000 cử tri tại nước ngoài. Số cử tri có quyền bầu cử đã tăng khoảng 200.000 người so với đợt tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa XXI hồi tháng 4/2021.

Theo Luật bầu cử Hàn Quốc, cử tri chỉ cần mang theo giấy tờ tùy thân tới bất cứ điểm bỏ phiếu nào trên toàn quốc là có thể bỏ phiếu mà không phải đăng ký trước. Riêng những cử tri đang thực hiện cách ly do mắc COVID-19 sẽ được tham gia bỏ phiếu sớm vào ngày thứ 2 của thời gian bỏ phiếu sớm (ngày 5/3) tại điểm bỏ phiếu được chỉ định trước thời điểm đóng cửa 1 giờ và trong ngày bầu cử chính thức (ngày 9/3) trong khoảng thời gian từ 18h đến 19h 30.

Hà Linh/Báo Tin tức
Bầu cử Tổng thống Hàn Quốc: Cử tri bắt đầu bỏ phiếu sớm
Bầu cử Tổng thống Hàn Quốc: Cử tri bắt đầu bỏ phiếu sớm

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, ngày 4/3, cử tri Hàn Quốc bắt đầu tham gia bỏ phiếu sớm bầu cử tổng thống tại 3.552 điểm bỏ phiếu trên toàn quốc. Thời gian bỏ phiếu sớm diễn ra trong 2 ngày, 4 và 5/3, bắt đầu từ 6h (giờ địa phương) đến 18h cùng ngày.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN