Thế giới tuần qua: Mỹ công bố chiến lược an ninh quốc gia, Jerusalem tiếp tục ‘nóng’

Chiến lược an ninh quốc gia mới của chính phủ Mỹ xem Nga và Trung Quốc là “đối thủ” cùng vấn đề Jerusalem là hai sự kiện nóng của tuần qua.

Chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ

Ngày 18/12, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố chiến lược an ninh quốc gia mới của nước này, qua đó thể hiện sự chú trọng vào nền tảng an ninh kinh tế. Đề cao khẩu hiệu “Nước Mỹ trước tiên”, chiến lược mới của nội các Trump xoay quanh sự mất cân bằng thương mại của Mỹ với các nước khác, đồng thời cảnh báo về “sự xâm lược kinh tế” từ các nước đối tác như Trung Quốc là những lo ngại an ninh quốc gia chính. 

Tổng thống Mỹ Donald Trump (giữa), Cố vấn an ninh quốc gia, Tướng H.R.McMaster (trái) và Ngoại trưởng Rex Tillerson. Ảnh: AFP/TTXVN

Chính quyền Trump đã “chỉ mặt họi tên” Nga và Trung Quốc là hai “cường quốc đối địch”, “thách thức sức mạnh, ảnh hưởng và các lợi ích của Mỹ, cố gắng làm xói mòn an ninh và thịnh vượng Mỹ”. 

Bên cạnh đó, ông Trump đánh giá chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên và Iran là hai mối đe dọa đối với an ninh của Mỹ. 

Ngoài ra, vấn đề an ninh mạng, chính sách nhập cư và khủng bố thánh chiến cũng được nêu nổi bật trong bản chiến lược mới của Nhà Trắng. 

Khác với chiến lược an ninh quốc gia của người tiền nhiệm Obama, ông Trump đã không còn xem biến đổi khí hậu là một đe dọa đối với nền an ninh của Washington. Quyết định này không gây quá nhiều ngạc nhiên sau khi nhà lãnh đạo Mỹ chủ động rút khỏi Hiệp định khí hậu Paris hồi đầu năm. 

Phản ứng về chiến lược an ninh mới của Mỹ, Nga và Trung Quốc – hai nước bị Mỹ xem là thách thức lợi của Mỹ - đều bất bình lên tiếng. Hôm 19/12, Bắc Kinh nhận xét chiến lược an ninh quốc gia của chính quyền Trump cho thấy một “tâm lý Chiến tranh Lạnh”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh phát biểu: “Chúng tôi thúc giục phía Mỹ ngừng cố ý bóp méo các ý định chiến lược của Trung Quốc và từ bỏ khái các khái niệm lỗi thời như tâm lý Chiến tranh Lạnh và trò chơi tổng bằng không (hai bên đều thua thiệt) - nếu không nó sẽ chỉ làm hại chính Mỹ cùng với những nước khác".

Sau khi biết tin Nga bị đề cập tiêu cực trong chính sách đối ngoại của Mỹ, phía Moskva đã ngay lập tức lên án. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov phát biểu trước các phóng viên: “Chúng tôi không đồng tình với thái độ xem đất nước chúng tôi là một đe dọa đối với Mỹ”. Theo ông, chiến lược này cho thấy “sự không sẵn lòng từ bỏ ý tưởng về một thế giới đơn cực – hơn thế là sự bỏ qua thế giới đa cực”. Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đánh giá chiến lược mới của Washington là “gây hấn”. 

Rối ren chủ quyền Jerusalem

Kết quả bỏ phiếu tại phiên họp đặc biệt bất thường của Đại hội đồng Liên hợp quốc về vấn đề Jerusalem ở New York (Mỹ) ngày 21/12. Ảnh: THX/TTXVN

Sau phiên họp bất thường sáng 21/12, Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) đã thông qua nghị quyết kêu gọi Mỹ rút lại quyết định công nhận thành phố Jerusalem là thủ đô của Israel. Kết quả, nghị quyết đã được thông qua với 128 phiếu thuận, 9 phiếu chống và 35 phiếu trắng.

Nghị quyết nhấn mạnh việc cần phải duy trì nguyên trạng vấn đề tình trạng của Jerusalem dựa trên tinh thần của các nghị quyết của LHQ và thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông thông qua đàm phán trực tiếp giữa người Israel và người Palestine. Nghị quyết tái khẳng định rằng Jerusalem là vấn đề phải được giải quyết thông qua đàm phán, và bất kỳ quyết định nào vượt quá khuôn khổ này đều không có hiệu lực pháp lý và cần phải được hủy bỏ. 

Trong bối cảnh Mỹ đe dọa cắt viện trợ những nước bỏ phiếu thuận, Ngoại trưởng Palestine Riad Malki đã kêu gọi sự ủng hộ của quốc tế, cho rằng với phiên họp này, LHQ đang trải qua một thử thách chưa từng có. Bất chấp kết quả thu được, Đại sứ Israel tại LHQ Danny Danon tuyên bố Israel không công nhận cuộc bỏ phiếu và khăng khăng cho rằng Jerusalem là thủ đô của Israel dù LHQ có công nhận hay không. 

Ngoài Mỹ và Israel bỏ phiếu chống nghị quyết còn có 7 quốc gia khác. Đáng ngạc nhiên, phần lớn các nước nhận viện trợ của Mỹ như Afghanistan, Ai Cập, Jordan, Pakistan, Nigeria, Nam Phi… đều ủng hộ nghị quyết. Trước đó, phát biểu trước các phóng viên tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 20/12 đe dọa: "Họ nhận hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ USD, và rồi họ bỏ phiếu chống lại chúng ta. Chúng ta sẽ theo dõi những lá phiếu này. Hãy cứ để họ bỏ phiếu chống lại ta. Chúng ta sẽ tiết kiệm được rất nhiều. Chúng ta không quan tâm”. 

Ngày 22/12, Tổng thống Palestine Mahmud Abbas tuyên bố người dân Palestine sẽ không chấp nhận bất kỳ kế hoạch hòa bình nào do Mỹ đề xuất sau khi Washington đơn phương công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Ông Abbas cho rằng "Mỹ đã thể hiện vai trò của một nhà trung gian thiếu trung thực trong tiến trình hòa bình" và Palestine sẽ "không còn chấp nhận bất kỳ kế hoạch nào của nước này nữa". 

Hoàng Trang/Báo Tin tức
Bị coi là đối thủ thách thức Mỹ, Nga sẽ không ngồi yên
Bị coi là đối thủ thách thức Mỹ, Nga sẽ không ngồi yên

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng Moskva cần phải xây dựng đội quân thế hệ mới có đủ năng lực sẵn sàng đương đầu trước sự gây hấn của Washington.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN