Sát Tết, nhiều loại thực phẩm chủ chốt sẽ tăng giá 10-30%

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội cho biết: Từ ngày 23 đến 28 Tết, giá một số mặt hàng đầu vị như: gà ta, gà trống, giò nóng, thịt nạc vai, tôm cua sống, chuối xanh và hoa quả cam sành, súp lơ sẽ tăng giá từ 10-30%.

Hiện nay tại một số "chợ cóc" trên phố Giải Phóng, Bạch Mai, Hồng Mai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), giá súp lơ, su hào là 5.000 đồng/củ nhỏ, bắp cải 10.000 đồng/kg, cà chua 10.000 đồng/kg; giò lụa từ 110-130.000 đồng/kg; thịt bò thăn 250.000 đồng/kg, thịt lợn thăn 80.000 đồng/kg. Tại chợ khu vực Linh Đàm, quận Hoàng Mai, giá gà ta là 130.000 đồng/kg gà (chưa mổ), tại một số nơi bán từ 100.000-110.000 đồng/kg.

Theo các tiểu tiểu thương, giáp Tết giá một số loại thực phẩm sẽ tăng nhẹ. Ảnh minh họa: Minh Châu.

Theo ông Phú, mặc dù tại các siêu thị đều công bố có lượng hàng dồi dào phục vụ Tết với giá cả ổn định nhưng với lợi thế chợ nhỏ, lẻ luôn có các mặt hàng hải sản tươi sống, giò nóng nên nhiều người dân chấp nhận mua thực phẩm tại “chợ cóc” dù giá tăng. Vì vậy, giá cả một số mặt hàng đầu vị sẽ do tiểu thương quyết định.

“Năm nào cũng vậy, cơ quan quản lý đều cam kết cùng các địa phương lên phương án điều hành, chuẩn bị nguồn cung đáp ứng nhu cầu mua sắm tết của người dân. Tuy nhiên điều quan trọng là các cơ quan quản lý cần tổ chức tốt khâu phân phối, khơi luồng, tạo sự liên kết hàng hóa và giữa người mua và bán thì sẽ tạo sự ổn định giá cả. Bên cạnh đó, giá cả phải đi đôi với chất lượng, đảm bảo sức khỏe cho khách hàng”, ông Phú nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết: Từ cuối năm 2017, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát, đánh giá lại nhu cầu và nguồn cung hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn; tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố phương án chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ tết. Đồng thời, các cơ quan chức năng triển khai các biện pháp bình ổn giá, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp có nhu cầu tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để thực hiện bình ổn thị trường.

Công tác quản lý, bình ổn giá cả thị trường dịp Tết Nguyên đán được thực hiện nhiều năm nay. Về cơ bản, tại các thành phố lớn cũng như các vùng sâu, vùng xa, nguồn hàng được đưa ra thị trường khá lớn trên cơ sở nguồn cung được dự báo từ trước, nên thị trường tương đối ổn định, không xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.

Theo báo cáo mới nhất của Ban Chỉ đạo điều hành giá, nguồn cung hàng hóa chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 khá dồi dào, đa dạng với mức giá hợp lý. Các doanh nghiệp đã có sự chủ động dự trữ hàng hóa và kết nối tiêu thụ hàng nông sản giữa các vùng miền trong cả nước. Cơ quan này dự báo, sức mua của người dân sẽ không có nhiều biến động so với các năm trước. 

Trước đó, từ tháng 11 và tháng 12/2017, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính đã ban hành chỉ thị bình ổn thị trường Tết và Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đã tổ chức đoàn kiểm tra công tác điều hành giá tại nhiều địa phương trên 3 miền Bắc, Trung, Nam.

Tại Điện Biên, nhiều hàng hóa thiết yếu được chuẩn bị, như: Mặt hàng xăng, dầu các loại dự ước khoảng 4.100 m3, với tổng trị giá ước khoảng 69 tỷ đồng; các mặt hàng thực phẩm, nhu yếu phẩm, bánh mứt kẹo... được các doanh nghiệp phân phối, các đại lý lớn chuẩn bị, không để xảy ra hiện tượng thiếu hàng.

Còn ở Hà Nội, Sở Công Thương Hà Nội đã chuẩn bị lượng hàng hóa dự trữ phục vụ tết ước tính trên 521.900 tấn, trị giá khoảng 26.000 tỷ đồng (tăng khoảng 10% so với kế hoạch dự trữ hàng hóa tết năm 2017). Trong đó, tập trung vào các mặt hàng: Gạo, thực phẩm tươi sống, rau củ, bánh mứt kẹo, thủy hải sản, rượu bia… Các doanh nghiệp trên địa bàn sẽ tổ chức 150 chuyến bán hàng lưu động về khu vực nông thôn, ngoại thành Hà Nội, các khu công nghiệp, khu chế xuất; mở rộng mạng lưới điểm bán hàng bình ổn giá.

Để đảm bảo nguồn hàng hóa cung ứng cho thị trường Tết, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đã phối hợp các ngành, doanh nghiệp, chuẩn bị nguồn hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu. Lượng hàng hóa các doanh nghiệp chuẩn bị phục vụ cho Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 tăng hơn 743 tỷ đồng so với năm 2017, trong đó, giá trị hàng hóa chuẩn bị nguồn hàng bình ổn thị trường đạt hơn 7.044 tỷ đồng.

Lượng hàng hóa các doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh chuẩn bị để cung ứng ra thị trường tăng 12% - 15% so với hoạch thành phố giao và tăng 20 - 30% so với Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017. Nhiều nhóm hàng chuẩn bị sản lượng lớn, chi phối từ 32% – 55% nhu cầu thị trường như: Thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, thịt gia súc, dầu ăn, gạo.

Minh Phương/Báo Tin tức
TP Hồ Chí Minh tăng lượng hàng bình ổn, kiểm soát giá cả hàng hóa dịp cuối năm
TP Hồ Chí Minh tăng lượng hàng bình ổn, kiểm soát giá cả hàng hóa dịp cuối năm

Để người dân được sử dụng hàng hóa chất lượng cao, đúng giá, ngành công thương TP Hồ Chí Minh đã tăng lượng hàng bình ổn về các khu vực đông dân cư, kiểm soát giá cả hàng ngày tại các siêu thị, chợ truyền thống...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN