Quan tâm thực hiện kiến nghị của cử tri

Theo chương trình, hôm nay (29/11), Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 13 sẽ bế mạc. Phóng viên báo Tin Tức đã phỏng vấn bà Nguyễn Thanh Hải (ảnh), đại biểu đoàn Hòa Bình, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội về kỳ họp này.

 

Thưa bà, bà dánh giá như thế nào về kết quả kỳ họp Quốc hội lần này?

Đây là kỳ họp dài, dù cũng đã rút ngắn 6 ngày so với dự kiến ban đầu do có một số thay đổi trong nội dung, cũng như cải tiến trong thảo luận ở tổ, đoàn. Khối lượng công việc của kỳ họp lớn như thảo luận thông qua Hiến pháp, thảo luận thông qua Luật Đất đai sửa đổi…


Ngoài ra, tại kỳ họp này, Quốc hội cũng có báo cáo rà soát đánh giá một số vấn đề nổi cộm như tác động của thủy điện, thực hiện chính sách bảo hiểm y tế. Kỳ họp này dù thời gian dài với khối lượng công việc đồ sộ nhưng các đại biểu đã làm việc tích cực, trách nhiệm, hiệu suất cao.


Về kết quả kỳ họp, nhìn chung tôi hài lòng với kết quả kỳ họp đạt được với việc thông qua các luật có tỷ lệ cao, đặc biệt là việc phát biểu tại hội trường, thảo luận tại tổ về các dự án luật hay như báo cáo giám sát. Đại biểu Quốc hội đã dành thời gian tìm hiểu thông tin, đọc tài liệu và thực tế để có thảo luận, đóng góp ý kiến sắc sảo và các ý kiến phát biểu không bị trùng lặp. Tuy nhiên, một số đại biểu có câu hỏi trùng chỉ nói quan điểm đồng ý hay không đồng ý với phương án đó trong luật. Cùng với sự chuẩn bị của đại biểu và điều hành của chủ tọa nên các dự án luật tiếp thu, chỉnh sửa phù hợp đóng góp ý kiến của cử tri đến với Quốc hội.

 

Theo bà, những đổi mới của kỳ họp này đã phát huy tác dụng như thế nào?


Một trong những phần đổi mới mà tôi thấy cần phát huy là trước phiên chất vấn, Chính phủ đã báo cáo về việc thực hiện Nghị quyết chất vấn và trả lời chất vấn từ 3 kỳ trước. Những dịp trước, ở phần chất vấn, các bộ trưởng, trưởng ngành trả lời có phần hài lòng người, có phần thì không. Chính vì vậy, sau chất vấn, đại biểu muốn giám sát nhưng cơ chế giám sát còn lỏng lẻo và giám sát như thế nào là vấn đề khó. Báo cáo của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết chất vấn cho thấy Chính phủ quan tâm tới ý kiến chất vấn của đại biểu Quốc hội. Chính phủ quan tâm thực hiện kiến nghị của cử tri và có báo cáo đánh giá việc thực hiện lời hứa và chất vấn của đại biểu Quốc hội. Đây là dịp rà soát tất cả các mặt, vấn đề đã được tổng kết đưa vào Nghị quyết chất vấn và trả lời chất vấn.


Điểm mới tiếp theo là rà soát, ban hành các văn bản dưới luật của Chính phủ hay việc rà soát thực hiện nghị quyết của Quốc hội. Đây là lần đầu tiên tôi thấy việc nợ đọng văn bản nhiều nhưng đại biểu Quốc hội trao đổi, tháo gỡ để tìm hiểu ra nguyên nhân căn bản việc ban hành văn bản dưới luật chậm. Qua thảo luận, tôi thấy, có những luật khi trình nêu tính cần thiết nhiều nhưng lại chậm ban hành. Nguyên nhân xuất phát từ phía Quốc hội giao cho Chính phủ quá nhiều điều để Chính phủ phải ban hành hoặc xuất phát từ đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu về pháp luật, cụ thể là Vụ Pháp chế của các đơn vị cũng còn “neo người”. Một mặt chúng ta ban hành luật rất nhanh nhưng mặt khác tốc độ ban hành nghị định của Chính phủ chậm. Hai vấn đề này không song hành với nhau nên rõ ràng phải điều chỉnh. Vì vậy, văn bản dưới luật phía Chính phủ phải tăng tốc lên và không được ảnh hưởng đến chất lượng. Nhiều đại biểu đề nghị quy trách nhiệm đối với người đứng đầu nếu ban hành chậm văn bản pháp luật làm ảnh hưởng đến hành lang pháp lý khi thực hiện chính sách pháp luật của Nhà nước.


Đây là hai nội dung mới đưa vào Kỳ họp này và mong muốn trong thời gian tới Quốc hội có những cải tiến đổi mới nội dung, nhất là công tác giám sát thi hành chính sách pháp luật của cơ quan hành pháp hiệu quả hơn nữa.

 

Tại các kỳ họp gần đây, không chỉ tại phiên chất vấn mà tại phiên thảo luận khác, các tư lệnh ngành đã có phát biểu giải trình rõ vấn đề được chất vấn. Vậy thời gian tới, theo bà có tăng phần “đối đáp”, thảo luận về các dự án luật hay không?


Trong phiên thảo luận về các báo cáo như thủy điện, bảo hiểm y tế, khi đại biểu thảo luận có sự trao đổi giữa người đứng đầu ngành và nhất là phiên chất vấn theo tôi rất phù hợp. Nhiều vấn đề bức xúc, như tại sao có hành lang pháp lý trong thực hiện đã có nhưng khi triển khai lại có sự bất hợp lý.

 

Những câu hỏi như vậy cần có giải đáp ngay tại hội trường để trả lời cho đại biểu Quốc hội và đại biểu căn cứ vào đó báo cáo với cử tri. Tuy nhiên, nếu mở rộng sang phiên thảo luận về luật, theo tôi khó áp dụng vì trình tự mỗi luật sẽ có 2 lần trình ra Quốc hội và đã có thảo luận ở tổ rồi. Trình ra lần đầu có đại diện bên Chính phủ đọc tờ trình và các Ủy ban chuyên môn Quốc hội sẽ có báo cáo thẩm tra và đại biểu quan tâm đến phần nào, ý nào thì có ý kiến. Luật mang tính quy mô, vĩ mô nên việc trao đổi sẽ không mang tính chất câu hỏi từ thực tế cần phải trả lời ngay lập tức, mà cần có thời gian tiếp thu.

Để các nghị quyết và luật vừa được Quốc hội thông qua sớm đi vào cuộc sống, theo bà cần phải làm gì?

Tôi thấy trong việc soạn thảo luật chúng ta nên hạn chế việc giao quá nhiều điều cho Chính phủ, khi có cơ sở thực tiễn tốt rồi thì đưa vào trong luật để thảo luận trao đổi, từ đó thống nhất thông qua.


Luật khi trình ra Quốc hội nên đưa thành điều bắt buộc cần có dự thảo Nghị định kèm theo để giảm tối thiểu thời gian phải chờ đợi. Bởi khi trình đã nói là cần thiết thì nên làm ngay, còn khi đợi Nghị định ban hành chậm 1-2 năm thì tính thực tế không còn như trước. Nếu chưa có thì nên quy định thời hạn nhất định và chế tài đối với đơn vị trình dự án luật.


Xin cảm ơn bà!

Xuân Cường (thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN