Cơ hội nào cho taxi truyền thống hậu Grab thâu tóm Uber

Sau thương vụ vụ Grab thâu tóm Uber tại thị trường Đông Nám Á, trong đó có thị trường Việt Nam, dư luận đang rất quan tâm tới việc taxi truyền thống, taxi ứng dụng công nghệ gọi xe sẽ cạnh tranh ra sao?

Sàn giao dịch dùng chung phần mềm gọi xe

Liệu việc thâu tóm này có phải cơ hội cho các hãng taxi truyền thống, taxi ứng dụng công nghệ gọi xe Việt lấy lại thị phần? Trả lời câu hỏi này, theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Grab thâu tóm Uber trở thành “ông lớn” ứng dụng công nghệ gọi xe tại các nước ban đầu thường khiến dư luận thăm dò, tìm hiểu. Tuy nhiên, đây thực sự là cơ hội cho các doanh nghiệp taxi Việt, trong việc khẳng định thương hiệu và sáng tạo ứng công nghệ khoa học vào dịch vụ vận tải phục vụ hành khách. Thực tế, hãng nào mang đến dịch vụ, chất lượng, giá cả tốt nhất trong thời điểm này sẽ được hành khách lựa chọn.

Hành khách sử dụng phần mềm gọi xe của Taxi Thành Công.

Xung quanh những phản hồi về việc Grab “âm thầm” tăng giá cước tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Thu An, Giám đốc truyền thông Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam cho báo Tin tức biết, Grab chưa có chính sách thay đổi giá cước từ ngày 9/4. Đối với các dịch vụ GrabCar và GrabBike, giá tiền chuyến đi vẫn dựa theo hành trình di chuyển mà khách hàng nhập, cộng với phụ phí giá linh hoạt dựa trên nhu cầu đi lại và lượng xe hiện có trong khu vực vào thời điểm đặt xe, cũng như thời gian ước tính cho cả hành trình. Điều này đảm bảo lợi ích cho cả lái xe và hành khách, vì cân bằng giữa nhu cầu đặt xe và số lượng xe; đồng nghĩa với giá tiền chuyến đi sẽ thấp hơn ở khu vực có nhu cầu đặt xe thấp và ngược lại và giúp kết nối lái xe với hành khách hiệu quả hàng ngày.

Đồng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội Nguyễn Công Hùng cho hay: Trước đây, ngay khi Grab, Uber vào Việt Nam, các hãng taxi truyền thống cũng đã tiếp thu công nghệ và tạo cho mình ứng dụng đặt xe qua mạng tương tự. Ngay cả đơn vị nhỏ nhất của Hiệp hội Taxi Hà Nội là Taxi Phù Đổng cũng có ứng dụng đặt xe, đã được Bộ GTVT cho phép thử nghiệm. Tuy nhiên, do có quá nhiều hãng, nên rất khó quản.

Giải quyết vấn đề này, Hiệp hội đã kiến nghị các cơ quan chức năng xây dựng một Trung tâm điều hành đặt xe qua mạng của Hiệp hội Taxi Hà Nội và đang đặt hàng phần mềm thiết kế. Đây có thể gọi là sàn giao dịch dùng chung cho tất cả các hãng taxi Hà Nội, giúp hành khách có thể tải, truy cập phần mềm, lựa chọn hãng tuỳ thuộc vào tên tuổi hay giá cả đã hiển thị sẵn. Giải pháp này vừa đáp ứng đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước, Chính phủ là áp dụng công nghệ để giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp, vừa tạo sự bình đẳng, công bằng trong kinh doanh. Khi đó, hành khách sẽ có cơ sở đánh giá chất lượng phục vụ của từng hãng taxi.

“Taxi truyền thống hiện vẫn đang cạnh tranh, giảm giá với Grab. 77 doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Taxi Hà Nội đều có phần mềm viết riêng cho mình. Tuy nhiên, chúng ta đang ở thế bị chia nhỏ. Bây giờ phải tập hợp lại để tạo sức mạnh”, ông Hùng khẳng định.

Tìm hiểu vấn đề các hãng taxi truyền thống có đồng tình với sàn giao dịch dùng chung, Tổng giám đốc Công ty Mai Linh miền Bắc Hồ Quốc Phi chia sẻ sẵn sàng tham gia sàn giao dịch chung với các hãng taxi khác, nhằm hợp lực tạo thành sức mạnh chung để cạnh tranh với Grab.

Ông Nguyễn Trí Dũng, Tổng giám đốc Công ty Phương Trang cũng cho rằng, nhiều năm nay, chủ đề taxi truyền thống cạnh tranh với Grab luôn được dư luận quan tâm. Dịch vụ nào cũng đều có mặt được và chưa được. Do vậy, tự thân các hãng taxi cần phải chuyển mình để bắt kịp xu hướng của các nước, hướng đến mục tiêu phục vụ khách hàng. Để cạnh tranh với Grab, Taxi Phương Trang rất muốn có sàn giao dịch để cạnh tranh phát triển.

Quy định rõ điều kiện vận tải hành khách

Nhiều hành khách vừa tin dùng phần mềm ứng dụng gọi xe của Grab.

Ông Nguyễn Công Hùng đề xuất: Cần bổ sung vào Nghị định 86/CP về điều kiện kinh doanh vận tải, trong đó nêu rõ quy định tất cả các doanh nghiệp có phần mềm kết nối vận tải sinh lời phải chịu các điều kiện quản lý về kinh doanh vận tải và quy về một mối.

Theo ông Hùng, hệ luỵ mà Grab/Uber để lại là hàng chục nghìn xe Grab/Uber và taxi truyền thống vẫn hoạt động cùng nhau, trong khi mục tiêu của các hãng taxi là kinh doanh bình đẳng, yêu cầu Grab đóng thuế như taxi truyền thống, có niêm yết giá trần, giá sàn…

Ở góc độ quản lý, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam nhận định: Hậu Grab thâu tóm Uber, không chỉ doanh nghiệp taxi truyền thống khó khăn, mà cả Grab cũng khó khăn. Trước các yêu cầu của các hãng taxi truyền thống, Grab đang phải đối mặt với bắt buộc phải đổi mới cho phù hợp với yêu cầu thị trường cạnh tranh và yêu cầu pháp lý của Việt Nam.

Theo đó, các cơ quan chức năng đang nỗ lực quản lý theo hướng đảm bảo việc triển khai phát triển ứng dụng công nghệ gọi xe đi kèm với kinh doanh vận tải phải tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh.

Nhiều chuyên gia cho rằng, thực tế sau nhiều năm taxi truyền thống phát triển, thị trường có hơn 50.000 xe hoạt động, nhưng chỉ trong 3 - 4 năm qua, Grab/Uber đã phát triển có trên 60.000 xe và được người dân đón nhận ngay lập tức, vì kết nối gọi xe dễ dàng, nhanh chóng, nhất là giá cả hợp lý và xe chất lượng tốt. Điều này buộc hậu Grab thâu tóm Uber, taxi truyền thống phải nhìn lại bản chất, không chỉ là công nghệ kết nối, mà là chất lượng dịch vụ, khi nhu cầu, yêu cầu người dân ngày càng đòi hỏi cao.

Vì vậy, theo bà Phan Thị Thu Hiền, các cơ quan quản lý Nhà nước đều mong muốn hài hoà tất cả lợi ích của người dân, doanh nghiệp và xã hội, các lợi ích này phải được đặt ngang bằng nhau để tạo điều kiện cho tất cả các đối tượng trong khuôn khổ đều đạt được mục đích. Nghị định 86/CP sửa đổi, bổ sung tới đây là khung pháp lý, nhằm quản lý vận tải và điều tiết thị trường theo hướng hài hoà lợi ích cho tất cả các bên tham gia.

Hiếu - Phương/Báo Tin tức
Mua lại Uber, Grab vẫn chiếm thị phần dưới 30% tại Việt Nam?
Mua lại Uber, Grab vẫn chiếm thị phần dưới 30% tại Việt Nam?

Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết, ngày 5/4 đã nhận được văn bản trả lời của Grab về việc mua lại Uber và ngay sau đó đã làm việc với doanh nghiệp này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN