Chiêm ngưỡng di sản văn hoá qua hội họa

Văn hóa nói chung, di sản văn hóa nói riêng là hồn cốt của một dân tộc.

Chú thích ảnh
Giải xuất sắc thuộc về tác phẩm “Lễ hội Khmer ở Cà Mau” của tác giả Lại Lâm Tùng. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa và giá trị di sản văn hóa là trách nhiệm của các cấp, ngành và các thế hệ người Việt Nam. Sự nghiệp bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc đòi hỏi phải luôn năng động, sáng tạo, đa dạng các hình thức. Cuộc thi và triển lãm vẽ tranh “Di sản văn hoá Việt Nam qua hội họa” là một trong những hoạt động thiết thực, cụ thể, ý nghĩa vào sự nghiệp chung bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.

Lưu giữ nét đẹp di sản văn hóa qua hội họa

Đến thăm triển lãm tranh “Di sản văn hoá Việt Nam qua hội họa” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, người xem không khỏi ngỡ ngàng khi được chứng kiến những nét hay, đẹp, độc đáo trong kho tàng di sản văn hóa Việt Nam. Vẻ đẹp ấy được các  được các họa sỹ thể hiện một cách phong phú, đa dạng qua hàng trăm tác phẩm mỹ thuật trưng bày tại triển lãm. Từ các di sản văn hóa vật thể như đình, đền, chùa, miếu, di sản thiên nhiên, di sản kiến trúc, là những danh thắng phong cảnh quê hương đất nước các di sản, di tích đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới như Hạ Long, Huế, Hội An, Phong Nha - Kẻ Bàng…, cho đến các di sản văn hóa phi vật thể, như: nhã nhạc Cung đình Huế, múa hoa đăng, ca Huế, hát Văn, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, hò khoan Lệ Thủy, tuồng, chèo, đờn ca tài tử, múa Chăm, múa rối nước, bài chòi, phong tục, tập quán, lễ hội…

Chú thích ảnh
Giải Nhất thuộc về tác phẩm “Nghìn xưa lưu dấu” của tác giả Lê Thị Thanh. Ảnh: Thanh Tùng/ TTXVN

100 tác phẩm trưng bày tại triển lãm “Di sản văn hoá Việt Nam qua hội họa” được lựa chọn từ hơn 800 tác phẩm hội họa của các họa sỹ trên khắp mọi miền Tổ quốc gửi về tham dự Cuộc thi vẽ tranh “Di sản văn hóa Việt Nam qua hội họa” lần thứ I - năm 2023, do Hội Di sản văn hóa Việt Nam tổ chức năm 2023. Cuộc thi đã thành công tốt đẹp và để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng công chúng. Triển lãm lần này là cuộc trình diễn vẻ đẹp của di sản văn hóa qua các tác phẩm hội họa được sáng tạo bằng nhiều chất liệu, nhiều thủ pháp nghệ thuật khác nhau...

Ngắm tác phẩm “Nghìn xưa lưu dấu” tại triển lãm, ông Trần Anh Tuấn, Giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp chia sẻ, ông ấn tượng với tác phẩm nghệ thuật này, bởi đây là một tác phẩm đặc biệt, được ghép lại từ nhiều tác phẩm tranh in nhỏ hoàn chỉnh. Mỗi tác phẩm tranh in nhỏ là một dấn ấn từ một di sản văn hóa như văn bia tiến sỹ ở Văn Miếu, hoa văn ở đình chùa... nhiều tác phẩm tranh in nhỏ được ghép lại, tạo thành một tác phẩm tổng thể, vừa có tính nghệ thuật, vừa lưu giữ nét đẹp của các di sản văn hóa Việt.

Chú thích ảnh
Các tác phẩm được trưng bày tại triển lãm. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Chia sẻ về tác phẩm, Tiến sỹ, họa sỹ Lê Thị Thanh, giảng viên Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cho biết, tác phẩm “Nghìn xưa lưu dấu” được trao giải Nhất tại Cuộc thi vẽ tranh “Di sản văn hoá Việt Nam qua hội họa” do Hội Di sản văn hóa Việt Nam tổ chức. Đây là tác phẩm đồ họa tranh in từ 4 kỹ thuật in: in dập, in cao su, in lưới và in độc bản. Ý tưởng hình thành tác phẩm được lấy từ giá trị hoa văn truyền thống của người Việt trong các đình làng, đền, chùa, lăng, miếu và đặc biệt là khu Vườn bia Tiến sỹ của Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội.

Họa sỹ Lê Thị Thanh chia sẻ, là một giảng viên mỹ thuật, thường đưa sinh viên đi tiếp cận nghiên cứu những công trình di tích cổ, nên chị thực sự hâm mộ và khâm phục trước những năng lực tạo tác của cha ông xưa, đã tạo nên vẻ đẹp đặc biệt, độc đáo ở các di tích như đình, đền, chùa, văn bia... Chị thực hiện tác phẩm “Nghìn xưa lưu dấu” với mong muốn đưa vẻ đẹp của những di sản đó ra khỏi di tích, hiển lộ chúng ở những bức tranh nghệ thuật hiện đại, để vẻ đẹp và giá trị văn hóa Việt có một đời sống mới và đi xa hơn. “Tôi thực sự mong muốn có những chương trình, dự án để bảo tồn di sản và phát huy những giá trị của di sản, để di sản có được một cuộc đời mới ý nghĩa hơn, lâu dài, bền bỉ mãi mãi. Tôi mong muốn mọi người nhìn thấy vẻ đẹp của những di sản đó và sẽ chung tay bảo vệ di sản”, họa sỹ Lê Thị Thanh bày tỏ.

Chú thích ảnh
Khách tham quan triển lãm. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Đánh thức tình yêu di sản

Cuộc thi vẽ tranh “Di sản văn hóa Việt Nam qua hội họa” lần thứ I - năm 2023 được phát động từ tháng 5/2023, tạo sân chơi cho các họa sỹ, đồng thời để các họa sỹ trẻ có cơ hội tìm hiểu, thể hiện tình yêu với di sản văn hóa, thể hiện ý tưởng, sự sáng tạo trong những sáng tác hội họa, qua đó khuyến khích, động viên và tạo nên phong trào yêu di sản văn hóa Việt, gìn giữ, tôn vinh những giá trị vô giá của di sản văn hóa dân tộc, lan tỏa tình yêu di sản văn hóa trong giới trẻ hiện nay.

Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam - Phó giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Văn Trụ khẳng định: Di sản văn hóa Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là nguồn lực quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Sự nghiệp bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc đòi hỏi phải luôn năng động, sáng tạo, đa dạng hóa các hình thức, biện pháp hoạt động, làm cho tình yêu và ý thức trách nhiệm đối với di sản văn hóa ngày càng lan tỏa, thấm sâu, nâng cao trong toàn xã hội. Cuộc thi vẽ tranh về các di sản văn hóa của dân tộc là sân chơi rộng rãi, bổ ích, bình đẳng dành cho những người yêu di sản văn hóa, yêu hội họa trên cả nước; đồng thời là hoạt động thiết thực, cụ thể, ý nghĩa góp phần vào sự nghiệp chung bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.

Chú thích ảnh
Các tác phẩm được trưng bày tại triển lãm. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Chủ tịch Hội đồng Giám khảo cuộc thi, họa sỹ Lê Huy Tiếp cho biết, cuộc thi vẽ tranh “Di sản văn hóa Việt Nam qua hội họa” nhằm tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ trẻ lòng tự hào về kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Việt Nam qua nhiều thế hệ. Qua đó, tạo nên phong trào yêu di sản văn hóa dân tộc, thế hệ trẻ sẽ có ý thức hơn nữa trong việc bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống.

Họa sỹ Đỗ Phấn, thành viên Hội đồng giám khảo cuộc thi cho rằng, thành công nhất và đáng khích lệ nhất của cuộc thi này là hướng tới thế hệ trẻ. Cuộc thi đã tìm ra được nhiều tác phẩm hội họa vẽ về di sản của họa sỹ trẻ, điều này có ý nghĩa lớn trong việc giáo dục di sản cho nhiều thế hệ, đặc biệt là các thế hệ trẻ, góp phần lan tỏa tinh thần tự hào, tinh thần bảo vệ di sản, đánh thức tình yêu của các nghệ sỹ với di sản văn hóa của dân tộc.

Phương Lan (TTXVN)
Thưởng lãm các tác phẩm hội họa đầy 'Sắc màu'
Thưởng lãm các tác phẩm hội họa đầy 'Sắc màu'

Triển lãm hội họa "Sắc màu" diễn ra từ ngày 3-7/1 tại Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh (số 29 Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) nhân dịp chào đón năm mới 2024.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN