Giữ gìn, phát huy nét đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Ninh

Ngay từ những ngày đầu năm 2024, Tây Ninh đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm giữ gìn, phát huy nét đẹp văn hóa, tinh thần cho nhân dân, nhất là bà con đồng bào dân tộc ở vùng biên; đặc biệt là dịp Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của bà con đồng bào Khmer vừa qua tại các địa phương.

Chú thích ảnh
Những thiếu nữ dân tộc Khmer đi lễ chùa Chung Rút tại xã Hòa Hiệp (Tân Biên, Tây Ninh).

Tây Ninh là tỉnh biên giới phía Tây Nam của Tổ quốc, có đường biên giới dài 240 km, tiếp giáp 3 tỉnh Vương quốc Campuchia (SvayRieng, Prey Veng và Tbong Khmum). Toàn tỉnh có 21 dân tộc thiểu số với hơn 5.551 hộ/20.415 nhân khẩu, nhiều nhất là đồng bào dân tộc Khmer (khoảng 2.392 hộ/9.229 nhân khẩu, chiếm 0,77% dân số) sống chủ yếu tại các huyện Tân Châu, Tân Biên, Châu Thành, Hòa Thành.

Đa số đồng bào dân tộc Khmer sinh sống bằng nông nghiệp, buôn bán nhỏ lẻ, làm thuê, làm công nhân ở các khu công nghiệp. Trong đó, một số hộ áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi nên đời sống tương đối ổn định, một số hộ khá, giàu. Bà con đồng bào dân tộc luôn chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, chung sức đồng lòng cùng cấp ủy, chính quyền phát triển kinh tế, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần.

Ngay từ những ngày đầu năm 2024, Tây Ninh đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm giữ gìn, phát huy nét đẹp văn hóa, tinh thần cho nhân dân, nhất là bà con đồng bào dân tộc ở vùng biên; đặc biệt là dịp Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của bà con đồng bào Khmer vừa qua tại các địa phương.

Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc thiểu số tỉnh Tây Ninh năm 2024 đã thu hút hơn 200 người là nhân dân và nghệ nhân các dân tộc thiểu số trên địa bàn tham dự. Không khí sôi nổi, thắm tình đoàn kết giữa các dân tộc thiểu số đã tạo được dấu ấn sâu sắc. Ngày hội được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh tổ chức đã tôn vinh các giá trị văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Ông Hà Duy Khuyền, 73 tuổi, người có uy tín của đồng bào dân tộc Thái ở ấp Phước Trung, xã Long Phước, huyện Bến Cầu, Tây Ninh là một trong những nghệ nhân giúp giữ hồn cho điệu múa Xòe Thái của đồng bào dân tộc Thái vùng Tây Bắc trên mảnh đất vùng biên tỉnh Tây Ninh. Hàng chục người trẻ dân tộc Thái của địa phương đang kế thừa, phát huy điệu múa độc đáo này. Ông Khuyền nhấn mạnh, để làm được như vậy, chính quyền địa phương đã cùng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, UBND huyện Bến Cầu xem xét, tạo điều kiện xây dựng nhà văn hóa dân tộc Thái, phục dựng điệu múa xòe dân tộc Thái.

Còn ấp Tầm Phô, xã Tân Đông, huyện Tân Châu ngày nay đã mang một diện mạo mới; đời sống của người dân khá lên từng ngày. Nhiều căn nhà sàn truyền thống khang trang mọc lên dọc theo con đường nhựa thẳng tắp từ xã vào tận các phum; nhiều hộ khá lên, sắm xe máy, máy cày và có cả ô tô.

Người có uy tín trong đồng bào Khmer, ông Chum Chòm Ran, Trưởng ấp Tầm Phô, xã Tân Đông, huyện Tân Châu cho biết, những năm qua, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, địa phương, đời sống của người Khmer ngày càng được nâng cao, đặc biệt trong các lĩnh vực y tế, giáo dục và văn hóa, văn nghệ… Bà con luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, cùng nhau đoàn kết, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phát triển.

Theo ông Phạm Hùng Thái, Phó Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh, thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc ở các địa phương đã quan tâm, chăm lo, tạo điều kiện để đồng bào tổ chức các hoạt động vui tươi nhân dịp lễ, Tết cổ truyền, qua đó tạo sự gắn bó tình làng, nghĩa xóm, kết nối đồng bào Khmer với nhiều dân tộc khác, giữa các tầng lớp nhân dân với cấp ủy, chính quyền, lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị đứng chân trên địa bàn, thắt chặt khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Ông Phạm Hùng Thái cho biết, nhiều già làng, người có uy tín và cán bộ là đồng bào Khmer đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, đi đầu trong những phong trào tuyên truyền, giáo dục, động viên người dân chấp hành nghiêm chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; thực hiện tốt nếp sống văn hóa ở cộng đồng dân cư, tham gia tích cực phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, toàn dân phòng, chống tội phạm; đặc biệt là chương trình xây dựng nông thôn mới, nếp sống văn hóa ở khu dân cư. Nhiều cán bộ người Khmer đã được bầu làm Bí thư chi bộ, Trưởng ấp, là nhân lực nòng cốt trong việc vận động đồng bào, cùng với cấp ủy, chính quyền xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.

Theo Tỉnh ủy Tây Ninh, những năm qua, công tác gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Khmer được các cấp trong tỉnh đặc biệt quan tâm. Các thiết chế văn hóa được đầu tư, xây dựng, tạo sự thay đổi đời sống văn hóa cơ sở; nhiều nhà văn hóa dân tộc được đầu tư xây dựng. Các di sản được trùng tu, tôn tạo, bảo tồn góp phần làm phong phú đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào dân tộc.

Qua thống kê, toàn tỉnh có 7 nhà văn hóa dân tộc Khmer, 3 nhà lễ Sala và 6 chùa Phật giáo Nam tông của đồng bào Khmer. Nhờ đó, đồng bào dân tộc duy trì các buổi sinh hoạt văn hóa văn nghệ, dạy học, đàn Ngũ âm, múa trống Chhay dăm. Tỉnh thường xuyên tạo điều kiện cho đồng bào duy trì tổ chức các buổi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, dạy học tiếng Khmer; tổ chức các ngày lễ, tết cổ truyền của dân tộc trang trọng, tiết kiệm, vui tươi, an toàn, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương như: lễ Chol Chnam Thmay, Sen Dolta, lễ Dâng y.

Toàn tỉnh hiện có 3 trường tiểu học đưa tiếng dân tộc Khmer vào giảng dạy ở cấp tiểu học và trường Phổ thông Dân tộc Nội trú hiện có gần 400 học sinh người dân tộc Khmer đang theo học. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, chuyên môn cho giáo viên người dân tộc được quan tâm thực hiện; toàn tỉnh có trên 140 giáo viên, nhân viên là người dân tộc.

Theo Tỉnh ủy Tây Ninh, thời gian tới, các đơn vị tiếp tục tăng cường công tác dân vận, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Đặc biệt, chú trọng công tác phát triển đảng viên là người dân tộc gắn với xây dựng và phát triển hiệu quả vai trò của lực lượng cốt cán, già làng, người có uy tín, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở, vai trò lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng ở vùng đồng bào dân tộc Khmer; phát huy truyền thống yêu nước trong đồng bào dân tộc Khmer, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, gắn với đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong đồng bào, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng.

Bài và ảnh: Giang Phương (TTXVN)
Phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Bình Phước là tỉnh miền núi thuộc khu vực miền Đông Nam Bộ, có ba huyện giáp biên giới Campuchia gồm: Lộc Ninh, Bù Gia Mập, Bù Đốp, với đường biên dài hơn 260km. Dân số hơn 1 triệu người, trong đó khoảng 20% là đồng bào dân tộc thiểu số sống đan xen tại 111 xã, phường, thị trấn trên địa bàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN