Tìm lại nét thanh lịch Hà Nội - Mai một văn hóa Tràng An

Bước vào thời kỳ kinh tế thị trường, hội nhập thế giới, Hà Nội thay da đổi thịt từng ngày với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế. Tuy nhiên, cùng với đó, những nét văn hóa thanh lịch, văn minh, những truyền thống tốt đẹp xưa cũng bị mất dần. Tìm lại nét thanh lịch, văn minh của người Hà Nội là việc mà các cấp chính quyền, nhân dân và những người yêu Hà Nội đang nỗ lực từng ngày, từng giờ.

Trải qua hơn 1.000 năm văn hiến, Thăng Long xưa, Hà Nội nay đã thu hút biết bao nhân tài từ các địa phương về đây sinh cơ lập nghiệp, tạo ra các phố phường, tiếp thu tinh hoa của mọi vùng miền, chắt lọc thành nét đặc trưng riêng của Hà Nội, đặc biệt là tính thanh lịch, văn minh.

Người Hà Nội xưa vẫn luôn tự hào với câu ca “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/Dẫu chưa thanh lịch cũng người Tràng An”.

Sự kiện tắm miễn phí tại Công viên nước Hồ Tây khiến nhiều người kinh hoàng. Ảnh: CTV

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Giang Quân, người có gần 70 năm tìm hiểu về Hà Nội, người Hà Nội tự hào về sự thanh lịch của mình, thể hiện trong nhiều mặt của phong cách sống đẹp từ trong nhà ra xã hội. Từ ăn nói, ăn mặc, ăn học, ăn chơi, ăn ở cho đến phép giao tiếp, ứng xử giữa người với người, giữa người với thiên nhiên, môi trường. Trong lời nói, người Hà Nội không dùng những từ thô tục, sỗ sàng, luôn mềm mỏng, tôn trọng người khác và không khoe khoang. Cách ăn mặc của người Hà Nội rất thanh lịch, họ luôn sử dụng trang phục, trang sức gọn gàng, trang nhã, làm đẹp kín đáo mà không phô trương, lố lăng. Cách ăn uống của người Hà Nội rất tế nhị, “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, ăn ngon chứ không ăn quá no. Người Hà Nội coi trọng gia đình, gia phong, bởi đó là một cái nôi tạo dựng các thế hệ tương lai cho đất nước. Cha mẹ, ông bà luôn là tấm gương mẫu mực cho con cháu noi theo…

Tuy nhiên, nếp sống, lối sống không phải là bất biến, đặc biệt là trong thời buổi kinh tế thị trường, sự chi phối của đồng tiền đã làm phai nhạt nét đẹp thanh lịch của người Hà Nội. Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, xã hội, kể cả cơ quan quản lý văn hóa cũng thừa nhận, chưa có thời điểm nào, vấn đề văn hóa ứng xử ở Hà Nội và người Hà Nội được đặt ra cấp thiết như hiện nay. Những hiện tượng tiêu cực gần đây trong văn hóa ứng xử đã trở nên đáng báo động, ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh của một thủ đô thanh lịch, văn minh.

Cho đến tận bây giờ, dù đã trôi qua vài tháng, nhưng khi nhắc đến sự kiện “tắm miễn phí” ở công viên nước Hồ Tây, nhiều người vẫn không tránh khỏi “rùng mình sợ hãi”. Không chỉ các báo trong nước, mà báo chí quốc tế cũng đăng tải những thông tin, hình ảnh về sự kiện đáng xấu hổ và đau lòng này, khiến cho hình ảnh Hà Nội, văn hóa Hà Nội bị ảnh hưởng rất lớn.

Trước đó, là sự kiện một nhà hàng Sushi nhỏ bên đường Đoàn Trần Nghiệp dự kiến mời ăn miễn phí khoảng 200 suất ăn sushi, nhưng có tới hàng nghìn người đến chầu chực, chen lấn, gây tắc nghẽn nhiều giờ. Hay hình ảnh du khách Việt chen chúc, giành giật tại lễ hội uống bia miễn phí cũng khiến không ít du khách nước ngoài… sốc khi chứng kiến cảnh tượng này, bởi họ chưa từng thấy ở đâu “náo nhiệt” và thiếu trật tự như ở lễ hội bia Việt Nam…

Không chỉ hỗn loạn vì miễn phí, những người yêu Hà Nội cũng rất buồn khi phải chứng kiến nhiều hành vi ứng xử thiếu văn hóa của một bộ phận cư dân sinh sống ở Hà Nội. Đó là cảnh nhiều nhà hàng sẵn sàng mắng, chửi khách; cảnh nhiều nam thanh, nữ tú rất xinh đẹp nhưng lại luôn mồm nói tục, chửi thề...

Kết quả khảo sát thực tế do các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội thực hiện mới đây, cũng đã chỉ ra thực trạng văn hóa ứng xử của cư dân Hà Nội rất đáng báo động. Cụ thể, bệnh viện là nơi “dẫn đầu” về chỉ số các hành vi ứng xử không phù hợp. Trong số 6.000 bảng hỏi được phát ra, trên 90% số người được hỏi cho rằng bác sĩ, y tá, điều dưỡng, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân có hành vi ứng xử không phù hợp. Có đến 95% ý kiến cho rằng công chức, viên chức có hành vi ứng xử không phù hợp. Tương tự, khảo sát thực trạng văn hóa ứng xử tại trường học cũng cho thấy có từ 50 - 70% lãnh đạo nhà trường, thầy cô giáo, cán bộ quản lý và nhân viên, học sinh, sinh viên... có hành vi ứng xử không phù hợp.
Phương Hà
Xây dựng người Hà Nội thanh lịch từ nếp sống văn minh đô thị
Xây dựng người Hà Nội thanh lịch từ nếp sống văn minh đô thị

Theo Nhà sử học Dương Trung Quốc: Nếu truyền thống Hà Nội xưa là truyền thống của thị dân, thì ngày nay Thủ đô đã tiếp nhận các phong tục văn hóa bốn phương, bản sắc văn hóa xưa ít nhiều có sự thay đổi. Vì vậy, theo nhà sử học, phong cách đô thị vẫn là điều Hà Nội cần nhất hiện nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN