Bảo vệ môi trường trong bối cảnh mới - Bài 2: Ô nhiễm không khí tiếp tục là vấn đề nóng

Ô nhiễm môi trường không khí tiếp tục là một trong những vấn đề nóng, luôn nhận được sự quan tâm của rất nhiều quốc gia trên thế giới. Trong đó, ô nhiễm bụi đang trở thành vấn đề của các quốc gia đang phát triển như Việt Nam.

Ô nhiễm bụi tại các đô thị lớn

Chú thích ảnh
 Nhìn từ trên cao có thể thấy Hà Nội chìm trong bầu không khí đặc quánh của sương mù và bụi bẩn, cộng với mức độ ô nhiễm không khí cao, ngày 17/11/2021. Ảnh: Thành Đạt/TTXVN

Tại Việt Nam, ô nhiễm bụi tiếp tục là vấn đề nổi cộm tại nhiều khu vực đô thị. Ô nhiễm môi trường không khí chủ yếu là ô nhiễm bụi tại các thành phố, đô thị lớn, các khu vực công nghiệp. Đặc biệt, tình trạng ô nhiễm bụi mịn tại một số đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh vẫn xảy ra thường xuyên. Trong đó, ô nhiễm bụi PM10 và PM2.5 luôn là vấn đề nóng và đặt ra nhiều thách thức.

Theo kết quả quan trắc của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), giá trị trung bình năm của thông số bụi PM10 và PM2.5 tại tất cả các trạm quan trắc môi trường không khí tự động, liên tục tại Hà Nội từ 2018-2020 đều vượt ngưỡng của QCVN05:2014/BTNMT từ 1,1-2,2 lần. Mức cao nhất là năm 2019, Hà Nội ghi nhận 6 đợt ô nhiễm ở mức độ cao, giá trị trung bình 24 giờ của thông số PM2.5 đã vượt quá giới hạn cho phép từ 2-3 lần và có diễn biến khá tương đồng ở hầu hết các trạm trong khu vực nội thành.

Trên toàn lãnh thổ Việt Nam, khu vực có ô nhiễm không khí do bụi mịn PM2.5 cao nhất không chỉ tại Hà Nội mà còn ở  địa phương lân cận như Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định.

Môi trường không khí tại một số làng nghề có xu hướng gia tăng do nhiên liệu sử dụng trong các làng nghề phổ biến là than chất lượng thấp, công nghệ sản xuất lạc hậu, lại chưa đầu tư cho hoạt động xử lý chất thải. Ô nhiễm chủ yếu là bụi, khí độc, hơi kim loại, mùi và tiếng ồn, tùy thuộc vào tính chất, quy mô và sản phẩm của từng loại ngành nghề.

Tại một số làng nghề, ô nhiễm mùi vẫn là vấn đề nổi cộm. Các làng nghề giết mổ Phúc Lâm (Bắc Giang), chế biến nông sản Dương Liễu (Hà Nội) bị ô nhiễm do quá trình phân hủy các chất hữu cơ trong bã thải sản xuất làm phát sinh mùi thối, khó chịu và gây ô nhiễm mùi trên một khu vực rộng. Làng nghề mộc Chàng Sơn, Bằng Hữu (Thạch Thất, Hà Nội), làng nghề mây tre đan Phú Nghĩa, Trường Yên (Chương Mỹ, Hà Nội)… ô nhiễm do các loại dung môi hữu cơ trong công đoạn sơn, đánh bóng sản phẩm.

Bên cạnh đó, một số vùng nông thôn bị ảnh hưởng bởi các hoạt động làng nghề, điểm công nghiệp xen kẽ trong khu vực dân cư, chôn lấp và đốt chất thải rắn sinh hoạt cũng như phát triển cơ sở hạ tầng… đã có dấu hiệu ô nhiễm môi trường không khí cục bộ.

Sau mỗi mùa vụ, một lượng lớn phụ phẩm phát sinh từ cây trồng nhưng chỉ một phần được tái chế, tái sử dụng. Phần còn lại thường bị đốt bỏ ngoài ruộng, gây ô nhiễm môi trường không khí cục bộ do hiện tượng khói mù.

Tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí

Chú thích ảnh
TP Hồ Chí Minh nhìn từ trên cao (ảnh chụp lúc 13 giờ 20 phút ngày 23/1/2021). Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN

Theo Ngân hàng Thế giới, nồng độ bụi PM2.5 tại Hà Nội được dự báo vẫn sẽ tiếp tục tăng từ nay cho đến năm 2030 với các chính sách về quản lý chất lượng không khí như hiện nay. Bởi vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 18/01/2021 về tăng cường kiểm soát môi trường không khí với 9 nhóm nhiệm vụ chính, trong đó, quan trọng nhất là đánh giá kết quả 5 năm thực hiện kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí, đề xuất kế hoạch quản lý chất lượng không khí trong giai đoạn 2021-2025.

Năm 2021, Việt Nam đã phê duyệt Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu tăng cường công tác quản lý chất lượng môi trường không khí thông qua kiểm soát nguồn phát sinh khí thải, giám sát chất lượng không khí xung quanh, cảnh báo, dự báo chất lượng không khí nhằm cải thiện chất lượng môi trường không khí và bảo đảm sức khỏe cộng đồng.

Mục tiêu cụ thể là kiểm soát tốt các nguồn khí thải công nghiệp thuộc đối tượng quy định tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, đảm bảo các cơ sở sản xuất công nghiệp kiểm soát, xử lý khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường và đầu tư lắp đặt thiết bị quan trắc khí thải tự động liên tục; ban hành lộ trình áp dụng tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

Sáu nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, gồm hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng môi trường không khí; phòng ngừa, giảm thiểu phát thải khí thải; hoàn thiện cơ chế tài chính, đa dạng hóa nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực quản lý chất lượng môi trường không khí; hợp tác quốc tế và nghiên cứu khoa học, công nghệ về quản lý chất lượng môi trường không khí; thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường không khí; tuyên truyền, giáo dục và nâng cao năng lực, nhận thức về quản lý chất lượng môi trường không khí.

Trong đó, về phòng ngừa, giảm thiểu phát thải khí thải, kế hoạch đưa ra các nhiệm vụ cụ thể như tiếp tục thực hiện đề án “Phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025, tập trung tuyên truyền, phổ biến kiến thức về nhiên liệu sinh học và đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật đáp ứng sử dụng nhiên liệu sinh học.

Các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ thực hiện đầu tư, đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất, thiết bị sản xuất, nâng cao năng lực, trình độ công nghệ quản trị; áp dụng sản xuất sạch hơn, hệ thống chứng nhận theo TCVN ISO 14001; phát triển, ứng dụng các công nghệ xử lý môi trường; lắp đặt, vận hành các hệ thống xử lý khí thải đảm bảo đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường; lắp đặt và vận hành thiết bị quan trắc khí thải tự động, liên tục.

Các cơ quan chức năng rà soát, đánh giá năng lực sản xuất, xây dựng kế hoạch cung ứng nhiên liệu phù hợp với quy chuẩn khí thải và lộ trình áp dụng quy chuẩn khí thải đối với phương tiện cơ giới tham gia giao thông; kiểm soát chất lượng nhiên liệu đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí do các nguồn khí thải tại cụm công nghiệp, khu vực nông thôn, làng nghề; kiểm soát ô nhiễm không khí trong hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải; triển khai các giải pháp hạn chế hoạt động đốt rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp, thu gom, xử lý, chế biến phụ phẩm sau thu hoạch thành các sản phẩm có ích.

Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện, hiện đại hóa hệ thống quan trắc môi trường không khí xung quanh tự động, liên tục; thiết lập các điểm quan trắc môi trường không khí theo Quy hoạch tổng thể mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về chất lượng môi trường không khí xung quanh; đầu tư, lắp đặt và vận hành hệ thống truyền số liệu quan trắc khí thải tự động liên tục từ cơ sở sản xuất tới Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, thành phố và Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Cơ quan chức năng kiểm soát các tác động từ hoạt động của ngành Y tế đối với môi trường không khí; tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí từ các lò đốt chất thải y tế; kết nối được các bên trong việc bảo vệ môi trường không khí.

Vụ trưởng Vụ quản lý chất lượng môi trường (Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường) Lê Hoài Nam cho biết, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã đưa vào các quy định mới để giải quyết các nguồn điểm, nguồn diện phát sinh khí thải cần được quản lý, xử lý thông qua việc quy định từng địa phương phải xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí, phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện; xem xét, đánh giá, phân tích chi phí lợi ích của các giải pháp quản lý chất lượng không khí, từ đó xác định giải pháp ưu tiên thực hiện.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì tổ chức thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí, ban hành quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với khí thải của phương tiện giao thông vận tải; chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải trình Thủ tướng Chính phủ ban hành lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với khí thải đối với của phương tiện giao thông vận tải lắp ráp, nhập khẩu, đang lưu hành; lộ trình loại bỏ các phương tiện giao thông vận tải gây ô nhiễm môi trường; các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tổ chức hướng dẫn thực hiện các hoạt động phòng ngừa, kiểm tra, giám sát, xử lý các nguồn bụi, khí thải gây ô nhiễm không khí, quản lý chất lượng môi trường không khí trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng và thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí của địa phương và tổ chức triển khai thực hiện; chỉ đạo thực hiện các biện pháp khẩn cấp trong trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng trên địa bàn quản lý.

Đối với việc đốt rơm rạ, rác thải, trong năm 2020 - 2021, tại Hà Nội, các huyện Sóc Sơn, Đan Phượng, Thanh Oai, Chương Mỹ, Đông Anh...đã lập kế hoạch thúc đẩy các giải pháp truyền thông, xử lý và kiểm soát đốt rơm rạ ngoài đồng ruộng.

Để giảm ô nhiễm do phương tiện giao thông, các thành phố như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng đến giữa năm 2022 đều định hướng đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy, để đánh giá thực trạng và ảnh hưởng của phát thải xe máy, đặc biệt là xe máy cũ đến chất lượng không khí. Đây cũng là cơ sở khoa học hỗ trợ việc xây dựng và thực thi các chính sách về giao thông bền vững và bảo vệ môi trường. Hoạt động chính của chương trình là tổ chức kiểm tra khí thải miễn phí, sửa chữa bảo dưỡng miễn phí cho khoảng 18.000 xe máy, cũng như truyền thông, khảo sát ý kiến chủ phương tiện và tham vấn các bên liên quan.

Bài cuối: Xác định khả năng ứng phó

Minh Nguyệt (TTXVN)
Bảo vệ môi trường trong bối cảnh mới - Bài 1: Nguồn ô nhiễm môi trường gia tăng
Bảo vệ môi trường trong bối cảnh mới - Bài 1: Nguồn ô nhiễm môi trường gia tăng

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, song tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp trên các thành phần môi trường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN