Các làng đào Phú Thọ vào mùa

Mặc dù phải còn khoảng một tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán 2014 nhưng các hoạt động chuẩn bị cho mùa hoa đào Tết đã diễn ra nhộn nhịp và rộn ràng trên khắp các xã trồng đào ở thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ.

Hoa đào ngày Tết. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN


Tại các làng đào như Long Ẩn và Hồng Vân, hoa đào đã bắt đầu khoe sắc thắm. Tại làng đào Hồng Vân, xã Thanh Minh (thị xã Phú Thọ) trong tiết trời se lạnh của mùa đông, những nụ đào khe khẽ cựa mình với hơi thở mùa xuân và không khí Tết thắm trong từng sắc màu thiên nhiên ban tặng. Để có được vẻ đẹp đó, những hộ trồng đào đã dành ra nhiều công sức, tâm huyết trau chuốt trong quá trình chăm sóc đào.

Bà Nguyễn Thị Đông, trưởng khu 4 xã Thanh Minh, cho biết người dân ở đây đã biết trồng đào từ những năm 1942, nhưng nở rộ nhất là 15 năm trở lại đây. Khu Hồng Vân có 76 hộ thì có tới 60 hộ trồng đào, nhà nào trồng ít cũng có hơn 10 gốc, nhà nhiều thì có tới 300 gốc. Đào nở sớm hay muộn cũng phụ thuộc vào khá nhiều vào thời tiết. Theo kinh nghiệm của những người lâu năm trồng đào, cứ vào cuối tháng 10 âm lịch thì phải bứt hết lá đào. Nếu thời tiết ấm hoặc nắng thì phải hãm để hoa nở đúng vào những ngày Tết…

Anh Lê Văn Thuận, người có thâm niên trồng đào ở Hồng Vân, chia sẻ gia đình anh trồng 230 gốc, chủ yếu là đào bích và đào phai. Theo kinh nghiệm của anh Thuận, cứ vào cuối tháng 10 âm lịch, tiến hành tuốt bỏ toàn bộ lá đào trên cây để cây tập trung dinh dưỡng làm nụ, đảm bảo nụ hoa ra nhiều, đều, mập, hoa to, cánh dày, màu đẹp.

Theo dõi năm nào thời tiết nóng thì người trồng đào phải tuốt lá muộn hơn vài ngày, năm nào thời tiết rét thì tuốt lá đào sớm hơn thời điểm trên vài ngày. Sau khi tuốt lá đào xong, nếu trời nắng nóng kéo dài, các hộ trồng đào phải làm giàn che và phun nước lạnh thường xuyên toàn bộ tán, thân cây đào, hãm cho đào không ra hoa sớm.

Nếu trời rét kéo dài, người trồng đào cũng phải làm giàn che và hàng ngày tưới nước ấm vào quanh gốc đào để đảm bảo đủ nhiệt độ kích thích cho đào ra hoa đúng kỳ hạn. Với cách làm như trên, đào trong vườn sẽ cho ra hoa nhiều, hoa to, màu sắc đẹp và đúng dịp Tết từ ngày 28 - 29 tháng Chạp đến mồng 4 - 5 tháng Giêng, đúng vào dịp đón Tết mừng Xuân…

Làng đào Long Ân, xã Hà Lộc, trước đây chủ yếu sống dựa vào sản xuất nông nghiệp và buôn bán nhỏ. Nghề trồng hoa đào được du nhập vào làng cách đây khoảng gần 30 năm và có chiều hướng phát triển mạnh trong vài năm gần đây. Ban đầu, có khoảng 20 gia đình tham gia trồng hoa đào. Đến nay, con số này đã lên tới 111 hộ, chiếm trên 31% số hộ trong làng.

Vì thế, doanh thu từ nghề trồng hoa đào của thôn trong 2 năm gần đây tăng cao. Năm 2012, doanh thu đạt 1,266 tỷ đồng, chiếm 35,2% doanh thu của làng; thu nhập đạt gần 747 triệu đồng, chiếm 38,7% thu nhập của làng. Dự kiến, năm 2013, doanh thu đạt trên 1,5 tỷ đồng. Nhờ nghề trồng hoa đào, nhiều hộ trong thôn không chỉ thoát được đói nghèo mà còn vươn lên làm giàu.

Anh Nguyễn Quyết Lân (khu 4, xã Thanh Minh) trồng hơn 200 gốc đào tâm sự, phải mất không ít thời gian cây đào mới tạo được thế. Tuỳ vào từng kiểu dáng cành, dáng cây mà tạo, dáng cây càng phức tạp thì thời gian càng dài. Tuy vậy, những cành đào như thế này luôn có mức giá khá cao, từ 2 đến 2,5 triệu đồng. Bình quân 100 gốc đào cũng cho gia đình anh thu nhập hơn 40 triệu đồng.

Việc phát triển cây đào ở thị xã Phú Thọ đã và đang mở ra hướng làm giàu của người dân không chỉ trong xã mà còn nhiều xã lân cận. Ông Trần Văn Thông, Chủ tịch UBND xã Hà Lộc cho biết: Trong những năm tới mục tiêu của xã vẫn giữ gìn và phát triển nghề trồng hoa đào của thôn Long Ân; đồng thời tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, tăng số hộ tham gia, phấn đấu giá trị sản xuất từ hoa đào hàng năm tăng từ 15 - 20%.

Theo ông Thông, trước mắt, xã sẽ tập trung đầu tư vào các khâu chăm sóc, mở các lớp tập huấn cho các hộ trong làng về kỹ thuật trồng, lai ghép, cắt tỉa, tạo dáng đào thế; xây dựng thương hiệu cây hoa đào Long Ân để mở rộng thị trường tiêu thụ. Hiện nay, xã đã hoàn tất các thủ tục đề nghị cơ quan chức năng thẩm định và xét công nhận đạt tiêu chuẩn làng nghề trồng hoa đào thôn Long Ân, để từ đó người dân trong làng có thêm cơ hội đầu tư phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho gia đình…

Hàng chục năm nay, thôn Long Ân, Hồng Vân đã trở thành “xứ sở” của hoa đào, với lượng đào trồng bán ra hàng năm lên đến hàng nghìn gốc. Tuy nhiên, bà con trong xã vẫn trồng đào bằng kinh nghiệm và mang tính tự phát. Hiện tại, chưa có một chương trình hay dự án đầu tư nào để phát triển cây đào.

Thiết nghĩ, các cấp chính quyền tỉnh Phú Thọ cần có những dự án đầu tư cho người dân nơi đây trồng đào tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa, vừa bảo đảm nguồn thu nhập, vừa giữ được giống đào bích, đào phai và cùng với đó là xây dựng thương hiệu cho đào Tết nơi đây.


Tạ Văn Toàn
Người làm giầu từ  cây đào, cây mận
Người làm giầu từ cây đào, cây mận

Những ngày này, không khí ngày mùa rộn rã khắp nẻo núi rừng cao nguyên Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Người dân vùng cao Mộc Châu đang vào mùa thu hoạch mận, đào.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN