Nhịp sống 'trẻ' của người cao tuổi

Khuôn viên trước trường Đại học Thủy Lợi Hà Nội rộng rãi, cây xanh tỏa bóng mát là nơi “dừng chân” lý tưởng của nhiều đội khiêu vũ cao tuổi. Bà Tô Thúy Lợi (77 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) mỗi buổi sáng đều cùng những người bạn thân thiết đi tập khiêu vũ. Sau một biến cố lớn cùa gia đình, bà bắt đầu tìm đến bộ môn khiêu vũ với mục đích chính là để giải tỏa tâm trạng, nhưng cuối cùng đã trở thành niềm đam mê.

Những “vận động viên” U70, U80

Dạo quanh Công viên Thống Nhất Hà Nội, khuôn viên trước Trường đại học Thủy Lợi Hà Nội, hồ Hạ Đình... khoảng từ 5 giờ đến 7 giờ mỗi buổi sáng và buổi chiều, có rất đông người cao tuổi luyện tập thể thao. Mỗi người lựa chọn bài tập riêng, phổ biến nhất là đi bộ, tập aerobic, khiêu vũ, tập với các thiết bị công cộng... . Những bước chân khỏe khoắn, những nét mặt rạng rỡ, những tiếng cười vui vẻ... của các cụ là những nét chấm phá đầy sức sống trong bức tranh Thủ đô đa sắc màu.

Đã hàng chục năm nay, đều đặn 5 giờ 30 phút mỗi buổi sáng và mỗi buổi chiều, một góc sân Công viên Thống Nhất (phía tiếp giáp phố Nguyễn Đình Chiểu) luôn rộn ràng bởi tiếng nhạc lớn, người qua đường cũng bất giác hướng mắt quan sát. Tại đây, luôn có khoảng 100 người, phần lớn là người cao tuổi say sưa tập nhảy aerobic.

Chú thích ảnh
Đều đặn 5 giờ 30 phút mỗi buổi sáng và mỗi buổi chiều, lớp học aerobic thu hút đông đảo người cao tuổi tham gia.
Chú thích ảnh
Khi tiếng nhạc vang lên, các bà, các cô hào hứng chìm đắm trong âm nhạc với những động tác aerobic đầy trẻ trung, khỏe khoắn.

Khi tiếng nhạc vang lên, ‘không ai bảo ai’, tất cả nhanh chóng ổn định vị trí và bắt đầu luyện tập. Bài tập đi từ những động tác uyển chuyển, nhẹ nhàng phối hợp chân và tay, từ từ tiết tấu nhanh hơn với những động tác mạnh mẽ, dứt khoát. Những động tác tưởng chừng chỉ phù hợp với những người trẻ tuổi, nhưng không, ai cũng hào hứng tận hưởng các động tác, “chìm đắm” vào không gian âm nhạc của riêng mình.

Dù năm nay 74 tuổi, nhưng 32 năm nay, bà Cao Thị Trung (Đống Đa, Hà Nội) vẫn bền bỉ “ra sân”, tập luyện aerobic. Bà Trung chia sẻ: “Tôi ở công viên này được 32 năm rồi. Tôi đi tập đều lắm, tập cả ca sáng lẫn ca chiều. Đi ra đây hít thở không khí, tập thể dục đều đặn, người sẽ cảm thấy khỏe mạnh. Nói chung, tập thể dục rất có ích, các bệnh tật cũng giảm bớt đi.”

Trong khi đó, bác Nguyễn Văn Hải (ngoài 60 tuổi, Ba Đình, Hà Nội) tâm niệm rằng: "Cuộc sống của mỗi người đều có hai phần, phần thân và phần tâm. Để phần thân luôn khỏe mạnh, dẻo dai thì mỗi ngày đều phải siêng vận động, dù là người già hay người trẻ. Như tôi ở cách Quảng trường Ba Đình 3 cây số nhưng đôi chục năm nay, ngày nào, sáng nào cũng lên đây tập thể dục để nâng cao sức khỏe, tăng sức đề kháng cho mình hàng ngày”.

Chú thích ảnh
Cô Nguyễn Thu Hà (Thanh Xuân, Hà Nội) say sưa lắc vòng hạt.

Là một “tín đồ” say mê các môn thể thao, hàng ngày, cô Nguyễn Thu Hà (Thanh Xuân, Hà Nội) phân chia thời gian rõ ràng để luyện tập thể dục. Cô cho biết: thông thường 5 giờ mỗi buổi chiều, bà có mặt tại công viên Thống Nhất. Cô tập lắc vòng hạt khoảng 20 phút, sau đó tập aerobic khoảng 1 giờ cùng với mọi người.

Với cô Hà, tập thể dục không chỉ giúp nâng cao sức khỏe mà còn bồi đắp tinh thần. “Tập thể dục giúp nâng cao sức khỏe, tinh thần thoải mái, con người phấn chấn lên. Có tập thể thao thì mới trẻ trung được, tư tưởng cũng thoải mái, vui vẻ; sức khỏe tăng cường lên…” cô Hà chia sẻ.

Chú thích ảnh
Người cao tuổi siêng rèn luyện thể thao tại hồ Hạ Đình (Thanh Xuân, Hà Nội).
Chú thích ảnh
Nhờ chăm chỉ rèn luyện thể dục, thể thao, bà Hồ Thùy Chi (Thanh Xuân, Hà Nội) đã giảm được 6 kg.

Ngoài rèn luyện thể thao để tăng cường sức khỏe, bà Hồ Thùy Chi (Thanh Xuân, Hà Nội) còn tập thể thao với mong muốn giảm bớt cân nặng. Nói về “chiến tích” giảm từ 71kg xuống 65kg nhờ siêng tập thể dục, bà Chi cho biết: “Đợt này xuống được 6 cân, sướng lắm, thoải mái lắm. Sáng bà đi đạp xe đạp 1 tiếng rưỡi xuống Linh Đàm, đạp vài vòng quanh khu vực đó rồi lại đạp xe về. Về tới hồ Hạ Đình thì tiếp tục tập mấy thiết bị có sẵn, rồi đi chợ, ăn sáng, quét dọn nhà cửa vừa phụ giúp con cháu, vừa rèn luyện sức khỏe. Ngồi yên trong nhà không làm gì thì buồn lắm.”

Với tần suất, cường độ vận động mạnh, bền bỉ, những “vận động viên” U70, U80 là minh chứng sống cho câu nói “Tuổi già nhưng sức chẳng già”. “Niềm đam mê không tuổi” với thể thao của những người cao tuổi đáng được trân trọng và lan rộng. Ngược lại, những người trẻ với sức ỳ lớn, khó có thể “vượt qua” cường độ vận động, sức bền của những người cao tuổi.

Thể thao, khiêu vũ chữa lành nỗi buồn tuổi già

Việc rèn luyện thể dục, thể thao không chỉ nhằm mục đích nâng cao sức khỏe mà qua đó tạo “sân chơi” bổ ích, lành mạnh để những người cao tuổi có thể chia sẻ niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống và “chữa lành” nỗi đau, sự mất mát đã từng xảy ra...

Chú thích ảnh
Bà Ngọc (Thanh Xuân, Hà Nội) hào hứng tận hưởng buổi tập thể dục tại hồ Hạ Đình.
Chú thích ảnh
Phút giây tìm lại sự bình yên, an nhiên trong tâm hồn.

Đều đặn 30 ngày, bà Ngọc (Thanh Xuân, Hà Nội) rèn luyện thể thao với các thiết bị công cộng tại hồ Hạ Đình. Chia sẻ về vai trò của việc rèn luyện thể thao với chính bản thân mình, bà cho biết: “Tập thể dục giúp cơ thể nhanh nhẹn, hoạt bát và khỏe mạnh hơn hẳn. Càng có tuổi thì càng phải rèn luyện thể dục, không thể ngồi mãi ở nhà được, phải ra ngoài hít thở không khí, trò chuyện với mọi người xung quanh.”

Với bà Ngọc, việc rèn luyện thể dục, thể thao không phân biệt độ tuổi, dù già dù trẻ nên tích cực vận động, rèn luyện thể chất để có một sức khỏe tốt. Đặc biệt tại nơi tập luyện có thể giao lưu, trò chuyện với nhiều người cao tuổi khác, xua tan nỗi cô đơn của tuổi già.

Chú thích ảnh
Nhóm những người cao tuổi say mê khiêu vũ trước khuôn viên trường Đại học Thủy Lợi.

Bên cạnh nỗi cô đơn khi tuổi già ập đến, nhiều người cao tuổi tìm đến các môn thể thao để giải tỏa nỗi đau, sự mất mát người thân. Bốn mùa chứng kiến sự đổi thay của hoa cỏ trước khuôn viên trường Đại học Thủy Lợi là bốn mùa đáng nhớ, đáng trân trọng của bà Tô Thúy Lợi (Đống Đa, Hà Nội). Bà Lợi chia sẻ: “Tôi rất thường xuyên tập môn khiêu vũ này. Tôi tập từ năm 2005, sau khi nhà tôi có biến cố, cháu lớn mất. Lúc đó, trời như sụp xuống đầu tôi... Khi đi qua công viên, thấy có các chị học khiêu vũ, nghe tiếng nhạc tôi hòa đồng vào đó và quên đi nỗi buồn của gia đình, của chính bản thân mình. Từ đó, tôi đã tham gia bộ môn này liên tục để quên đi những việc buồn và mong muốn cơ thể khỏe mạnh, đầu óc thoải mái, tâm hồn trẻ trung trở lại.”

Chú thích ảnh
Những "vận động viên" U80 hòa mình vào bộ môn khiêu vũ.
Chú thích ảnh
Tuổi đã già, nhưng tâm hồn mãi trẻ.
Chú thích ảnh
Sân tập khiêu vũ rộn ràng không khí Trung thu.

Trải qua gần 2 thập kỷ, giờ đây, khiêu vũ với bà Lợi không chỉ là một môn thể thao, mà còn là “một liều thuốc bổ” giúp bà vực dậy tinh thần sau mất mát, tìm lại được niềm vui và sự lạc quan trong cuộc sống. Đặc biệt, bà cũng động viên những người bạn cùng tham gia rèn luyện thể thao, cùng tập nhảy khiêu vũ.

Chú thích ảnh
Cùng nhau lưu lại những bức ảnh kỷ niệm ngày trung thu đáng nhớ.
Chú thích ảnh
Sau mỗi buổi tập khiêu vũ, những “người bạn già” cùng nhau giao lưu tâm tình.

Không chỉ gắn bó trong những giờ tập khiêu vũ, những “người bạn già” còn cùng nhau bầu bạn, tâm sự. “Sau khi luyện tập buổi sáng xong, các bà lại rủ nhau đi các nơi. Hôm thì đi bơi, hôm thì đi uống cà phê, hát karaoke để cùng vui vẻ, thoải mái, để chồng và các con có nhìn thấy có thể yên tâm. Các bà cũng thường làm thơ, ví dụ như: Tuổi già nhưng tính chưa già/ Vẫn bơi, vẫn nhảy, vẫn cà phê đen...”, bà Lợi chia sẻ.

Với những người cao tuổi, “ra sân” rèn luyện thể thao không chỉ để nâng cao sức khỏe mà còn là cơ duyên gặp gỡ nhau hàn huyên để xoa dịu nỗi cô đơn và an ủi nhau lúc tuổi xế chiều. Những câu chuyện rất nhỏ nhặt, rất đời thường bỗng chốc trở thành thứ “gia vị đặc biệt” không thể thiếu trong đời sống tinh thần của họ.

Theo hướng dẫn của Tổng cục Thể dục Thể thao Việt Nam, người cao tuổi khi rèn luyện thể thao cần chú ý những điểm sau để đạt hiệu quả tốt:

- Người cao tuổi cần lựa chọn hình thức, nội dung bài tập và có kế hoạch tập luyện phù hợp với điều kiện sức khỏe của bản thân cũng như điều kiện không gian tập luyện tại chỗ.
Người cao tuổi có thể tập từ 3 tới 5 buổi mỗi tuần từ 20 đến 30 phút với các bài tập vận động thông thường và nên tập vào một giờ nhất định. Giờ tập tốt nhất từ 6 giờ đến 8 giờ sáng hoặc từ 4 giờ đến 6 giờ chiều.
Tuy nhiên, các hướng dẫn cũng khuyến cáo người tập cần lựa chọn giờ tập và thời gian tập bao lâu phù hợp với điều kiện sức khỏe và thói quen của mỗi cá nhân. Ngoài ra, không nên tập với cường độ mạnh gần thời điểm đi ngủ bởi có thể gây ra chứng mất ngủ.
- Với những người chưa tập luyện bao giờ, nên bắt đầu với những bài tập nhẹ nhàng. Sau đó, tăng dần thời gian, cường độ luyện tập sao cho phù hợp với sức của mình.
- Ngoài việc tập luyện khoa học, người cao tuổi nên đảm bảo chế độ dinh dưỡng hằng ngày đầy đủ, hợp lý, đa dạng thực phẩm, ngủ đủ giấc để tăng cường sức khỏe, nâng cao sức đề kháng, giảm nguy cơ mắc bệnh.
Hồng Phượng/ Báo Tin tức
Xây dựng chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, dạy nghề cho người cao tuổi
Xây dựng chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, dạy nghề cho người cao tuổi

Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh trên thế giới. Dự báo đến năm 2038, nhóm người cao tuổi ở Việt Nam chiếm khoảng 20% dân số. Đến năm 2050, Việt Nam sẽ tương đương với các nước có dân số già nhất như Nhật Bản, Hàn Quốc. Tuy nhiên, khoảng 70% số người cao tuổi Việt Nam sống ở nông thôn và cuộc sống vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN