“Tiếp sức” để đồng bào thoát nghèo

Từ nhiều năm nay, người nghèo ở Gia Lai đã có điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất, từng bước ổn định và vươn lên trong cuộc sống - đó là nhờ có sự "tiếp sức" từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH). Từ năm 2003 đến nay, toàn tỉnh đã có 141.000 hộ nghèo vay vốn chính sách với tổng dự nợ lên tới 2.430 tỷ đồng, trong đó phần lớn là hộ nghèo ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số.


 

Cà phê đã mang về cuộc sống ấm no cho người dân tại huyện Đắk Đoa.

 

Từ 2 chương trình ban đầu là cho vay hộ nghèo và giải quyết việc làm, đến nay Chi nhánh NHCSXH Gia Lai đã mở rộng triển khai thêm 9 chương trình tín dụng khác từng bước đáp ứng nhu cầu của cộng đồng về nguồn vốn vay. Trong tổng số 11 chương trình tín dụng thì có 3 chương trình chiếm tỷ trọng lớn và tốc độ tăng trưởng cao, đó là: Dư nợ cho vay hộ nghèo chiếm tỷ trọng 40,9% tổng dư nợ; dư nợ chương trình học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn chiếm tỷ trọng 24,9% và dư nợ chương trình hộ sản xuất - kinh doanh vùng khó khăn chiếm tỷ trọng 21,3%.

Chất lượng tín dụng của các chương trình đều đạt kết quả cao, nợ quá hạn chiếm tỷ lệ 0,98%, nợ khoanh chiếm tỷ lệ 0,03%. Riêng đối với những hộ nghèo vay vốn phát triển sản xuất đều sử dụng đúng mục đích và đạt hiệu quả, vốn tín dụng chủ yếu tập trung đầu tư vào phát triển các loại hình trồng trọt (cà phê, tiêu, điều), chăn nuôi gia súc, gia cầm (bò lai, heo lai) và làm dịch vụ buôn bán nhỏ. Qua 10 năm, toàn tỉnh đã có đến 67.500 hộ thoát nghèo mang nhiều yếu tố bền vững, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới hiện nay xuống còn gần 20% (60.000 hộ), hộ cận nghèo chiếm tỷ lệ 6,3% (18.000 hộ).


Chi nhánh NHCSXH Gia Lai đã coi trọng việc tạo môi trường thuận lợi giúp cho các hộ nghèo tiếp cận được với đồng vốn, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở các vùng sâu, vùng xa trên địa bàn. Coi đó là một trong những yếu tố quan trọng và quyết định chất lượng các hoạt động của đơn vị. Trong điều kiện mặt bằng dân trí còn thấp và nhiều tập tục lạc hậu đang còn tồn tại ở các buôn làng dân tộc, chi nhánh đã tập trung xây dựng và mở rộng được 197 điểm giao dịch tại các xã, phường trong tỉnh, đảm bảo nguyên tắc giải ngân vốn vay và thu nợ, thu lãi trực tiếp, không qua cấp trung gian. Tại các điểm giao dịch đều thực hiện công khai dân chủ các chính sách tín dụng ưu đãi, nội quy giao dịch, ngày giờ giao dịch cụ thể... đưa đồng vốn tín dụng đến tận tay người nghèo và các đối tượng chính sách một cách nhanh nhất, hạn chế những tiêu cực phát sinh. Phương thức hoạt động này đã thực sự mang lại lợi ích cho dân, được cấp ủy, chính quyền địa phương đồng thuận và hoan nghênh. Các hội, đoàn thể nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh, thanh niên...cũng là những "điểm tựa" quan trọng và cần thiết làm dịch vụ từng phần cho NHCSXH đưa đồng vốn đến tận tay người nghèo. Thông qua các tổ chức chính trị này, không những tăng nhanh đồng vốn vay mà còn quản lý chặt chẽ và ngăn chặn được thất thoát nguồn vốn, đồng thời hướng dẫn bà con về kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi hợp lý mang lại hiệu quả kinh tế cao trong quá trình sản xuất.


Căn cứ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Gia Lai giai đoạn 2011 - 2020, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã xây dựng và triển khai thực hiện một số giải pháp quan trọng, phấn đấu đạt tổng dư nợ hơn 4.000 tỷ đồng vào năm 2020, với mục tiêu góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn dưới 14% .


Văn Thông

Thoát nghèo nhờ vốn Ngân hàng chính sách xã hội
Thoát nghèo nhờ vốn Ngân hàng chính sách xã hội

Anh Nguyễn Trọng Tiến, một nông dân người Tày ở thôn Tài Chang, xã Bình Văn, huyện Chợ Mới (Bắc Kạn) khẳng định như vậy khi chúng tôi đến tham quan mô hình nuôi giống lợn rừng, lợn “Mán” được coi là thành công nhất trong vùng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN