Tin nổi bật ngày 20/4

Trong ngày 20/4, dư luận quan tâm đến một số thông tin nổi bật như: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham dự Phiên khai mạc Diễn đàn châu Á Bo Ao; Việt Nam có thêm 10 ca mắc mới COVID-19; Kiến nghị xem xét vi phạm của Bộ Công Thương trong vụ án Gang thép Thái Nguyên; Nguyên Tổng Giám đốc TISCO Trần Trọng Mừng bị tuyên phạt 9 năm 6 tháng tù; Xét xử Chủ tịch HĐQT lừa đảo chiếm đoạt tài sản…

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham dự Phiên khai mạc Diễn đàn châu Á Bo Ao

Ngày 20/4, Diễn đàn châu Á Bo Ao (Bác Ngao) đã được khai mạc tại thành phố Bo Ao, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến. Hội nghị là sự kiện quan trọng, kỷ niệm 20 năm hoạt động của Diễn đàn.

Chú thích ảnh
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự và có bài phát biểu tại Lễ khai mạc của Diễn đàn. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Diễn đàn lần này có sự tham dự của nguyên thủ/người đứng đầu Chính phủ các nước Bangladesh, Brunei, Kazakhstan, Campuchia, Chile, Hàn Quốc, Indonesia, Lào, Malta, Mông Cổ, New Zealand, Sri Lanka, Trung Quốc, Việt Nam, Singapore, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 75 và Tổng Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF). Diễn đàn cũng thu hút sự tham gia của nhiều học giả, doanh nghiệp, báo chí trong khu vực và thế giới. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu khai mạc Diễn đàn.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự và có bài phát biểu tại Lễ khai mạc của Diễn đàn.

Phát biểu tại phiên khai mạc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao thành tựu của Diễn đàn trong 20 năm qua; mong muốn Diễn đàn tiếp tục là kênh trao đổi giữa chính khách, học giả, doanh nghiệp các nước về những vấn đề quan trọng của khu vực.

Trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với những thách thức chưa từng có, Chủ tịch nước nhấn mạnh không quốc gia nào có thể đơn độc giải quyết những khó khăn này; chỉ có hợp tác và đoàn kết mới đem lại thành công. Các nước cần chung tay hành động vì sự phát triển bao trùm, bền vững và an toàn cho mọi người dân.

Chia sẻ với Diễn đàn, Chủ tịch nước nhấn mạnh một số lĩnh vực các nước cần đặc biệt quan tâm là: Đẩy mạnh hợp tác trong kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh, bảo đảm cơ hội tiếp cận vaccine với chi phí hợp lý; ổn định kinh tế vĩ mô, tạo thuận lợi thương mại, đầu tư, đảm bảo chuỗi cung ứng, thúc đẩy sản xuất, tạo việc làm; huy động nguồn lực cho phát triển kinh tế bền vững và bao trùm, hướng tới thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững 2030; xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, phát triển nguồn nhân lực cho chuyển đổi số.

Về hợp tác Việt Nam - Trung Quốc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, hai nước là những quốc gia láng giềng gần gũi, đã cùng hợp tác ngăn chặn dịch COVID-19, duy trì tăng trưởng kinh tế và trở thành điểm sáng ở khu vực, thế giới. Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam mong muốn tăng cường hợp tác toàn diện, hiệu quả, bình đẳng, cùng có lợi với Trung Quốc, cùng nhau vượt qua đại dịch COVID-19, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt - Trung ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Xét xử vụ án Gang thép Thái Nguyên: Kiến nghị xem xét vi phạm của Bộ Công Thương

Chiều 20/4, trong bản án sơ thẩm tuyên phạt 19 bị cáo trong vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO), Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã kiến nghị xem xét vi phạm của Bộ Công Thương và xem xét khởi tố trách nhiệm hình sự đối với một số cán bộ có liên quan (nếu có căn cứ).

Cụ thể, căn cứ vào lời khai của các bị cáo tại phiên tòa cũng như tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, Hội đồng xét xử kiến nghị xem xét những vi phạm của Bộ chủ quản TISCO và Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNS) là Bộ Công Thương. Bộ đã quyết định và đưa ra những chủ trương không đúng quy định của pháp luật, giới thiệu và lựa chọn đơn vị không đủ năng lực để thực hiện phần C của hợp đồng EPC số 01#. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hậu quả của vụ án.

Bên cạnh đó, Hội đồng xét xử cũng kiến nghị làm rõ những vi phạm của Tổng Công ty xây dựng công nghiệp Việt Nam (VINAINCON) trong việc thực hiện phần C của hợp đồng EPC số 01#. Nếu có căn cứ, đề nghị khởi tố trách nhiệm hình sự đối với các cán bộ có liên quan theo quy định của pháp luật.

Về trách nhiệm dân sự, tại phiên tòa, đại diện TISCO không yêu cầu các bị cáo phải bồi thường số tiền bị thiệt hại. Về nội dung này, Hội đồng xét xử nhận thấy, TISCO là công ty cổ phần, trong đó vốn chủ sở hữu của Nhà nước là 65%. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2005, TISCO chỉ là người đại diện cho vốn chủ sở hữu, hành vi của các bị cáo đã xâm phạm đến khách thể là tài sản của Nhà nước. Do vậy, Hội đồng xét xử không ghi nhận việc TISCO không yêu cầu bồi thường số tiền thiệt hại và vẫn buộc các bị cáo phải liên đới bồi thường.

Cụ thể, các bị cáo trong vụ án phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường cho TISCO số tiền hơn 830 tỷ đồng. Chia theo kỷ phần, các bị cáo phải bồi thường số tiền là: Trần Trọng Mừng 130 tỷ đồng, Trần Văn Khâm 120 tỷ đồng, Ngô Sỹ Hán 90 tỷ đồng, Mai Văn Tinh 80 tỷ đồng, Đặng Văn Tập 70 tỷ đồng, Đậu Văn Hùng 60 tỷ đồng, Đồng Quang Dương 50 tỷ đồng, Nguyễn Trọng Khôi và Đỗ Xuân Hòa mỗi bị cáo 40 tỷ đồng, Đặng Thúc Kháng và Uông Sỹ Bính mỗi bị cáo 30 tỷ đồng, Lê Thị Tuyết Lan 20 tỷ đồng, Nguyễn Văn Tráng 15 tỷ đồng... Năm bị cáo nguyên là thành viên Hội đồng quản trị của TISCO và VNS, mỗi bị cáo bị buộc bồi thường hơn 6 tỷ đồng.

Phán quyết nêu rõ, kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật hoặc có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng các bị cáo còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả.

Ngoài ra, Tòa cấp sơ thẩm cũng tuyên buộc tiếp tục kê biên các tài sản, phong tỏa tài khoản tại ngân hàng của các bị cáo: Trần Trọng Mừng, Trần Văn Khâm, Mai Văn Tinh, Đậu Văn Hùng, Ngô Sỹ Hán…

Nguyên Tổng Giám đốc TISCO Trần Trọng Mừng bị tuyên phạt 9 năm 6 tháng tù

Sau hơn 1 tuần xét xử và nghị án, chiều 20/4, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên án phạt các bị cáo trong vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO).

Chú thích ảnh
Các bị cáo nghe Tòa tuyên án. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Bị cáo Trần Trọng Mừng (sinh năm 1949, nguyên Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên - TISCO) bị tuyên phạt 9 năm 6 tháng tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo quy định tại điều 219, Khoản 3 - Bộ luật Hình sự năm 2015.

Cùng bị kết án với bị cáo Mừng về tội danh trên có các bị cáo: Trần Văn Khâm (sinh năm 1961, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc TISCO) bị tuyên phạt 8 năm 6 tháng tù; Ngô Sỹ Hán (sinh năm 1950, nguyên Phó Tổng Giám đốc, Trưởng Ban Quản lý Dự án mở rộng sản suất giai đoạn 2 TISCO) 8 năm tù; Đặng Văn Tập (sinh năm 1952, nguyên Phó Giám đốc thường trực Ban Quản lý Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 TISCO) 7 năm tù; Mai Văn Tinh (sinh năm 1952, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Thép Việt Nam - VNS) và Đồng Quang Dương (sinh năm 1960, nguyên Phó Giám đốc kiêm Thư ký Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 TISCO) cùng bị tuyên phạt 6 năm tù; Đỗ Xuân Hòa (sinh năm 1954, nguyên Kế toán trưởng TISCO) 5 năm tù.

Ba bị cáo: Đậu Văn Hùng (sinh năm 1951, nguyên Tổng Giám đốc VNS), Đặng Thúc Kháng (sinh năm 1959, nguyên Ủy viên Hội đồng quản trị, Trưởng Ban kiểm soát VNS) và Nguyễn Trọng Khôi (sinh năm 1957, nguyên Phó Tổng Giám đốc VNS) cùng bị phạt 3 năm tù.

Bốn bị cáo: Trịnh Khôi Nguyên (sinh năm 1963, nguyên Trưởng Phòng Đầu tư phát triển VNS), Nguyễn Văn Tráng (sinh năm 1958, nguyên Ủy viên Ban kiểm soát VNS), Uông Sỹ Bính (sinh năm 1953, nguyên Phó Trưởng Phòng Kế toán Thống kê Tài chính TISCO), Lê Thị Tuyết Lan (sinh năm 1963, nguyên Phó Trưởng Phòng Kế toán Thống kê Tài chính TISCO) có chung mức án 2 năm tù.

Nhóm 5 bị cáo bị kết án về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại điều 360, Khoản 3 - Bộ luật Hình sự năm 2015 gồm: hai bị cáo nguyên là thành viên Hội đồng quản trị VNS Lê Phú Hưng (sinh năm 1962) và Nguyễn Minh Xuân (sinh năm 1958) đều bị tuyên phạt 18 tháng tù treo; ba bị cáo nguyên là thành viên Hội đồng quản trị TISCO: Nguyễn Chí Dũng (sinh năm 1955), Hoàng Ngọc Diệp (sinh năm 1966) cùng bị tuyên phạt 2 năm tù; Đoàn Thu Trang (sinh năm 1985) 18 tháng tù.

Hội đồng xét xử nhận định, hành vi của các bị cáo đã gây nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm vào trật tự quản lý kinh tế, xâm phạm hoạt động của các cơ quan tổ chức. Các bị cáo là những người có chức vụ quyền hạn, được giao quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, nhưng đã vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thiệt hại nghiêm trọng, thất thoát hơn 830 tỷ đồng. Ngoài ra, sai phạm của các bị cáo còn dẫn đến phát sinh nhiều chi phí, trang thiết bị bị hư hỏng; nhiều tài sản, đất đai, khoáng sản có liên quan không được phát huy, đưa vào sử dụng đúng mục đích để đạt hiệu quả, gây ảnh hưởng xấu đến việc phát triển kinh tế, tác động xấu trực tiếp đến hoạt động sản, xuất kinh doanh và ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động tại TISCO, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân... Vì vậy, hành vi vi phạm của các bị cáo cần được xử phạt nghiêm khắc để cảnh cáo, răn đe và phòng ngừa chung.

Tuy nhiên, Hội đồng xét xử cũng đã cân nhắc hành vi vi phạm của các bị cáo được thực hiện trong bối cảnh triển khai hợp đồng gặp nhiều khó khăn, bản thân các bị cáo không có vụ lợi trong vụ án… Trong đó, các bị cáo thuộc TISCO phải chịu trách nhiệm cao nhất. Bị cáo Mừng bị xác định là chủ mưu tổ chức thực hiện hành vi phạm tội nên phải chịu hình phạt cao nhất trong vụ án.

Xét xử Chủ tịch HĐQT lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Ngày 20/4, Tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử đối với bị cáo Nguyễn Thị Thủy (sinh năm 1959, trú tại tổ 2, phường Đồng Tiến, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Huy Hà về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Căn cứ vào mức độ, hành vi phạm tội của bị cáo và tính chất của vụ án, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Thủy 19 năm tù giam về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” được quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Về trách nhiệm dân sự, Hội đồng xét xử buộc bị cáo phải trả lại cho ông Nguyễn Xuân Hải số tiền 1,5 tỷ đồng; buộc Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội (Ngân hàng MB) trả lại cho ông Hải số tiền 8,5 tỷ đồng là tiền thu nợ của Công ty đầu tư và xây dựng Huy Hà vì đây là số tiền do Nguyễn Thị Thủy phạm tội mà có.

Theo hồ sơ vụ án, do có một khoản nợ với Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội (Ngân hàng MB) - chi nhánh tỉnh Hòa Bình đã quá hạn, khoảng giữa tháng 3/2019, Nguyễn Thị Thủy đã gọi điện cho ông Nguyễn Xuân Hải, Giám đốc Công ty cổ phần xây dựng thương mại 559 để chủ động gặp gỡ và trực tiếp trao đổi; đồng thời đưa ra những thông tin gian dối không có thật về việc Thủy đang đi xin 2 Dự án “kè sông Bùi - Lương Sơn” và “Đường ven biển Thái Bình - Hải Phòng” với tổng giá trị các gói thầu là 450 tỷ đồng. Sau đó, Thủy hứa với ông Hải khi nào xin được 2 dự án này sẽ cho ông Hải cùng làm và thỏa thuận ông Hải phải đưa cho Thủy số tiền 10 tỷ đồng để Thủy đi xin dự án. Do tin tưởng vào những thông tin Thủy đưa ra nên ông Hải đã đồng ý và đưa cho Thủy 10 tỷ đồng.

Sau khi lừa đảo, chiếm đoạt được số tiền 10 tỷ đồng của ông Nguyễn Xuân Hải, Nguyễn Thị Thủy đã sử dụng chi tiêu cá nhân hết 1,5 tỷ đồng, số tiền còn lại là 8,5 tỷ đồng Thủy đã chuyển vào Ngân hàng thương mại Cổ phần Quân đội. Ngân hàng đã thu nợ số tiền 8,5 tỷ đồng để trả một phần nợ trong tổng số nợ quá hạn mà Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng Huy Hà của Thủy đang còn nợ 29 tỷ đồng.

Chiều 20/4, Việt Nam có thêm 10 ca mắc mới COVID-19, được cách ly ngay khi nhập cảnh

Tính từ 6 giờ đến 18 giờ ngày 20/4, Việt Nam ghi nhận thêm 10 ca mắc mới COVID-19, đều được cách ly ngay sau khi nhập cảnh.

Tính đến 18 giờ ngày 20/4, Việt Nam có tổng cộng 1570 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay là 910 ca.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) hiện là 40.150 người, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện 531 người, cách ly tập trung tại cơ sở khác 24.361 người, cách ly tại nhà, nơi lưu trú 15.258 người.

XC/Báo Tin tức
Đề xuất giảm thời gian đóng BHXH xuống còn 10 năm để hưởng lương hưu
Đề xuất giảm thời gian đóng BHXH xuống còn 10 năm để hưởng lương hưu

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) có tờ trình gửi Chính phủ về đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); trong đó, điểm đáng lưu ý là đề xuất giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN