Xuân về trên cù lao Đất

Nằm giữa sông Hàm Luông - cách đất liền gần hai km, trước đây người dân sinh sống tại cù lao Đất (cù lao An Bình, ấp An Bình, xã An Hiệp, huyện Ba Tri, Bến Tre) gặp rất nhiều khó khăn do không có điện sử dụng.

Sau 5 năm đầu tư cáp ngầm vượt sông, đường dây điện trung hạ thế và trạm biến áp, đến nay gần 250 hộ dân tại xứ cù lao này đã có điện sử dụng trong sinh hoạt và sản xuất. Nhờ đó, đời sống của người dân đã thay đổi đáng kể từ khi có lưới điện quốc gia.

Từ cù lao 5 không

Theo chồng về sống tại xứ cù lao Đất đã khá lâu nên chị Nguyễn Thị Thảo, xã An Hiệp, huyện Ba Tri thấu hiểu được nỗi khó khăn của người dân ở cù lao Đất. Chị chia sẻ, khi chị cùng chồng sang cù lao Đất lập nghiệp, nơi đây là vùng đất hoang sơ, chưa có đường đi, dân cư thưa thớt, chủ yếu người dân từ bên đất liền sang đây làm ruộng và chiều lại quay trở về, có ít hộ sống bên cù lao Đất.

Theo chị Thảo, khó khăn nhất là các em nhỏ ít được đến trường vì đi học rất xa, do đó tỷ lệ bỏ học của các cháu rất lớn. Bên cạnh đó, người dân chủ yếu đi xuồng, ghe nhỏ qua bên cù lao Đất, nếu có ai bị bệnh nặng thì không thể nào đưa đến bệnh viện kịp thời, đời sống người dân khó khăn do thiếu điện, thiếu nước, thiếu trường học, thiếu đường đi, thiếu trạm xá.

Theo ông Nguyễn Văn Tài (81 tuổi), ấp An Bình, xã An Hiệp, huyện Ba Tri, trước đây xứ cù lao này không có điện, đường, trường, trạm nên cuộc sống rất khó khăn. Nhà nào kinh tế khá một chút thì sắm được ti vi trắng đen được phát bằng chiếc bình ắc quy. Tuy vậy, xài được mấy ngày thì phải dùng ghe, xuồng vượt sông gần 2 km qua trung tâm xã mới có chỗ nạp điện. Người dân chủ yếu sử dụng đèn dầu để thắp sáng nên các cháu nhỏ đi học gặp nhiều khó khăn khi không thể học bài ban đêm.

Trở thành vùng đất phát triển

Ông Mai Văn Nơi, ấp An Bình, xã An Hiệp, huyện Ba Tri cho biết, nhiều người dân ở cù lao Đất luôn nhớ ngày đưa điện về đây 5 năm trước, mọi người vui mừng phấn khởi khi có điện lưới quốc gia. Đời sống của người dân đã thay đổi đáng kể từ khi có lưới điện. Dây điện đi tới đâu thì đường bê tông mở kế bên và kéo theo là những căn nhà kiên cố. Người dân đã bắt đầu bám trụ, lập nghiệp tại xứ cù lao chứ không phải dựng chòi tạm nuôi tôm rồi trở về đất liền sinh sống như trước. Trường học, nhà văn hóa, phân trạm y tế, hệ thống xử lý nước sạch cũng được xây dựng... giúp người dân an cư lạc nghiệp.

Từ một hộ nghèo của xã giờ đây cuộc sống gia đình bà Trần Thị Vôi ấp An Bình, xã An Hiệp trở nên thoát nghèo, khấm khá nhờ chuyển đổi sản xuất từ khi có điện. Theo bà Vôi, trước đây gia đình khó khăn, kinh tế chủ yếu nhờ vào ao tôm quảng canh, nhưng khi có điện bà chuyển đổi sang nuôi tôm công nghiệp. Bà Vôi cho biết chi phí sử dụng điện trong nuôi tôm thấp hơn sử dụng dầu desel tới hơn 40% nên lợi nhuận cũng tăng lên.

Nhờ chịu khó làm ăn, gia đình bà đã vươn lên thoát nghèo, xây dựng được nhà cửa khang trang hơn để đón Tết. Mặt khác, Từ khi có điện, nhiều nhà sắm ti vi màu, tủ lạnh, máy giặt, nồi cơm điện, đầu tư mua mô-tơ điện chạy máy quạt phục vụ nuôi tôm nên kinh tế khá hơn trước rất nhiều. Hơn nữa, những năm qua nhờ nuôi tôm trúng mùa, nhiều gia đình đã xây nhà, mua sắm các thiết bị điện và cuộc sống không khác gì so với những hộ trong đất liền, bà Vôi chia sẻ.

Theo UBND xã An Hiệp, năm 2014, dự án nâng cao hiệu quả năng lượng khu vực nông thôn tỉnh Bến Tre từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Tái thiết Đức với số tiền 21,6 tỷ đồng để đầu tư cáp ngầm vượt sông, đường dây trung hạ thế và trạm biến áp nhằm phục vụ 242 hộ dân tại xứ cù lao này có điện sử dụng trong sinh hoạt và sản xuất. Từ đó, đời sống người dân nơi đây đã thay đổi, tỷ lệ hộ nghèo liên tục giảm trong những năm gần đây và hiện tỷ lệ hộ nghèo của ấp An Bình chỉ còn hơn 20% so với tỷ lệ chung toàn xã.

Chủ tịch UBND xã An Hiệp, Lê Văn Chiến cho hay, từ khi có điện lưới quốc gia, kinh tế - xã hội của ấp An Bình có bước phát triển. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt. Thu nhập bình quân đầu người năm 2014 là 19 triệu đồng thì nay đã tăng lên 21,5 triệu đồng. Bên cạnh đó, xã đầu tư hệ thông giao thông nông thôn, phân trạm y tế, trường học, bến đò ngang để phục vụ tốt hơn đời sống người dân. Từ hình thức sản xuất thô sơ, thủ công trước đây như nuôi thủy sản quảng canh đã chuyển sang nuôi công nghiệp với quy mô lớn giúp kinh tế phát triển khá nhanh, góp phần giúp kinh tế vùng cù lao Đất ngày càng phát triển.

Huỳnh Phúc Hậu (TTXVN)
Xuân về, trải nghiệm vùng văn hóa người Dao ở Huổi Só
Xuân về, trải nghiệm vùng văn hóa người Dao ở Huổi Só

Ai đã đến hoặc từng nghe kể về Tây Bắc đều mong ước có một lần đặt chân tới xã Huổi Só, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên vào dịp cuối năm, khi những bông hoa Ban đầu tiên xòe cánh bừng nở, thắp sáng cả núi rừng giữa những ngày Đông rét mướt, để được chiêm ngưỡng, khám phá vẻ đẹp kỳ ảo, nguyên sơ cảnh bản làng người Dao ẩn hiện dưới chân núi trong màn sương giăng, bên dòng sông Đà kỳ vĩ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN