Bà Rịa - Vũng Tàu đưa sản phẩm nông nghiệp OCOP vươn xa

Hiện nay, nông nghiệp công nghệ cao là một trong 4 trụ cột phát triển kinh tế của tỉnh Bà Rịa - Vũng tàu (BR VT). Vì vậy, tỉnh BR-VT kêu gọi các doanh nghiệp tại địa phương ưu tiên phát triển công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp để hướng đến xuất khẩu bền vững, gia tăng giá trị sản phẩm.  

Chú thích ảnh
Quang cảnh “Hội thảo Xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu nông sản tỉnh BR-VT”.

Hướng đến xuất khẩu 

Là đơn vị tiên phong xây dựng các sản phẩm nấm linh chi đạt chuẩn OCOP để hướng đến xuất khẩu, ông Nguyễn Huy Thành, Giám đốc Công ty TNHH Thanh Thanh Solar Energy, xã Bình Ba, huyện Châu Đức, BR-VT cho biết, vừa qua, để tăng năng suất cho sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, công ty đã đầu tư quy trình khép kín từ khâu sản xuất phôi đến trồng nấm linh chi dược liệu theo tiêu chuẩn sạch, hữu cơ.  Đến nay, cơ sở đã có một sản phẩm nấm linh chi được công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao.

"Thương hiệu nấm linh chi Thanh Thanh Mushroom đã được giới thiệu và phân phối rộng khắp trên thị trường cả nước và hiện nay, công ty đang hướng đến thị trường xuất khẩu. Dự kiến cuối năm 2023, công ty sẽ có thêm sản phẩm “bào tử nấm linh chi” đạt OCOP 4 sao. Việc các sản phẩm nông nghiệp đạt chuẩn OCOP sẽ giúp doanh nghiệp liên kết và mở rộng quy mô trồng sản xuất nấm linh chi dược liệu, nấm bào ngư trên địa bàn, từ đó giúp tận dụng và giải quyết được nguồn lao động nhàn rỗi, nâng cao thu nhập, đời sống nông dân địa phương", ông Nguyễn Huy Thành chia sẻ. 

Chú thích ảnh
Các sản phẩm OCOP của tỉnh BR - VTđược giới thiệu đến đông đảo doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh.

Ngoài việc tập trung nâng chất sản phẩm hướng đến xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp tại BR-VT còn hướng đến đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại để giới thiệu sản phẩm nông sản đến với đông đảo người dân, du khách trong và ngoài tỉnh. Điển hình, tại HTX Nông nghiệp - Thương mại - Du lịch Bầu Mây (huyện Xuân Mộc), năm 2020, các sản phẩm tiêu không hạt, tiêu một nắng, tiêu sữa, tiêu tươi muối, tiêu xanh muối và củ hoài sơn của HTX được công nhận OCOP 4 sao. Từ đó, trong hầu hết các hoạt động xúc tiến thương mại - du lịch của tỉnh, HTX đều tham gia trưng bày sản phẩm. Ngoài ra, HTX còn đón tiếp nhiều đoàn famtrip, khách ngoại giao đến tham quan, khảo sát đánh giá điểm đến để xây dựng tour tuyến.

Ông Lâm Ngọc Nhâm, Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp - Thương mại - Du lịch Bầu Mây cho biết, thông qua các hoạt động kết nối giao thương và quảng bá du lịch, các sản phẩm của HTX không chỉ lan tỏa thương hiệu Bầu Mây đến người dân, du khách mà còn là kênh xuất khẩu tại chỗ hiệu quả. Hiện nay, tiêu Bầu Mây đã được bán rộng rãi ra thị trường trong nước và xuất khẩu đi nhiều thị trường khó tính như: Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, Dubai… 

Theo các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm OCOP, đa số các sản phẩm OCOP của BR - VT đều chú trọng sản xuất theo quy trình tiêu chuẩn ISO, VietGAP, bao bì và mẫu mã cũng đa dạng nên dễ dàng quảng bá, xúc tiến giới thiệu đến các thị trường trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, chủng loại sản phẩm OCOP tập trung chủ yếu ở nhóm thực phẩm, dược liệu, thức uống, hàng thủ công mỹ nghệ… nên thuận lợi đưa vào chuỗi cung ứng cho du lịch. 

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Bà Rịa – Vũng Tàu, địa phương hiện có 344 cơ sở sản xuất trồng trọt ứng dụng công nghệ cao, với quy mô diện tích 5.272ha, diện tích đang sản xuất 5.255ha. Đối với ngành chăn nuôi, hiện có 127 trang trại hoạt động chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích khoảng 515ha, chiếm tỷ lệ 39% tổng đàn gia cầm và 38% tổng đàn heo. Lĩnh vực thủy sản, có 19 cơ sở nuôi thủy sản thương phẩm và sản xuất giống thủy sản ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích khoảng 409,7ha, tăng 11,5 ha so năm 2021.

Chú thích ảnh
Khách hàng tại TP Hồ Chí Minh tìm hiểu các sản phẩm OCOP của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. 

Ông Đỗ Minh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn tỉnh BR-VT cho biết, nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh BR - VT đề ra trong giai đoạn 2023-2025 là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn liền với thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp như: tạo quỹ đất để kêu gọi doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng khu, vùng quy hoạch phát triển nông nghiệp công nghệ cao; đào tạo nguồn nhân lực phát triển trang trại công nghệ cao trong nông nghiệp; xúc tiến thương mại nông nghiệp, tổ chức các chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm về sản xuất ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Trong thời gian tới, tỉnh cũng sẽ tổ chức kêu gọi các doanh nghiệp liên kết sản xuất, sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm gia tăng thu nhập cho người dân, góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp có bước phát triển mới, tận dụng được những lợi thế trong tiến trình hội nhập.

Ngoài ra, tỉnh BR-VT đang triển khai Đề án 04 - ĐA/TU của tỉnh BR-VT về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2020 - 2025. Sau 1 thời gian triển khai, đề án bước đầu đã thúc đẩy phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn phát triển hơn. Hiện tỷ trọng giá trị sản phẩm trồng trọt ứng dụng công nghệ cao trên tổng giá trị sản phẩm trồng trọt có xu hướng tăng qua các năm; quy mô đàn vật nuôi ứng dụng công nghệ cao so với tổng đàn vật nuôi toàn tỉnh đạt tỷ lệ 70%; diện tích nuôi thủy sản ứng dụng công nghệ cao chiếm 37 % trên tổng quy mô nuôi thủy sản toàn tỉnh; giá trị sản xuất đạt 4.897 tỷ đồng/năm, chiếm 33 % tổng giá trị sản xuất lĩnh vực nông nghiệp; giá trị sản phẩm bình quân đạt trên 110 triệu đồng/ha, tăng 14 triệu đồng so năm 2015.

Ông Nguyễn Văn Cẩm, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh BR-VT cho biết, việc quảng bá, xúc tiến, thu hút đầu tư góp phần quan trọng để giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao đến tận tay người tiêu dùng, từ đó tìm kiếm cơ hội và hợp tác đầu tư trong và ngoài nước. 

"Sắp tới, để hoạt động xúc tiến thương mại có hiệu quả, tỉnh BR-VT sẽ căn cứ định hướng và đặc trưng của từng sản phẩm nông nghiệp, tình hình phát triển kinh tế - xã hội để đẩy nhanh tốc độ phát triển một nền nông nghiệp xanh, đổi mới sáng tạo và hướng tới nền nông nghiệp sinh thái, bền vững theo định hướng đã đề ra", ông Nguyễn Văn Cẩm cho biết thêm. 

Ngày 1/12, tại TP Hồ Chí Minh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) đã phối hợp với Sở NN&PTNT TP Hồ Chí Minh tổ chức “Hội thảo Xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu nông sản tỉnh BR-VT”. Hội thảo nhằm giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP đến thị trường TP Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh, thành lân cận, từ đó giúp doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại địa phương có thể mở rộng thị trường, nâng cao sức cạnh tranh và tăng thu nhập cho người lao động, doanh nghiệp và tỉnh BR-VT trong thời gian tới.
Bài, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Bà Rịa - Vũng Tàu: Công nhận 3 địa phương đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi năm 2023
Bà Rịa - Vũng Tàu: Công nhận 3 địa phương đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi năm 2023

UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa ban hành các quyết định về việc công nhận hai huyện Đất Đỏ, Châu Đức và thành phố Bà Rịa đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi năm 2023.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN