Diện mạo, vị thế mới của thành phố Cần Thơ sau 20 năm trực thuộc Trung ương

Ngày 31/12 sắp tới, thành phố Cần Thơ sẽ tổ chức Lễ kỷ niệm 20 Năm thành lập thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương (1/1/2004 - 1/1/2024). Nhìn lại chặng đường 20 năm xây dựng và phát triển, thành phố Cần Thơ đã có một diện mạo mới, vị thế mới.

Vai trò, vị trí là thành phố trung tâm, đô thị hạt nhân, trung tâm động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng rõ nét.

Chú thích ảnh
Thành phố Cần Thơ đang ngày càng phát triển. Ảnh: Phan Tuấn Anh/TTXVN

Diện mạo, vị thế mới

Ngay sau khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 17/2/2005 về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Theo đó, thành phố Cần Thơ được định hướng phấn đấu trở thành “Thành phố đồng bằng cấp quốc gia văn minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, xứng đáng là thành phố cửa ngõ của cả vùng hạ lưu sông Mê Kông, là trung tâm công nghiệp, trung tâm thương mại - dịch vụ, du lịch, trung tâm giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ, trung tâm y tế và văn hóa, là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế, là địa bàn trọng điểm giữ vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và của cả nước”.

Năm 2009, thành phố Cần Thơ đã hoàn thành mục tiêu đầu tiên hiện thực hóa tầm nhìn chiến lược khi được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại I trực thuộc Trung ương tại Quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 24/6/2009. Diện mạo thành phố cả nội và ngoại thành đã có những thay đổi đáng kể.

Nhiều khu đô thị mới, khu dân cư, thương mại, dịch vụ ở các quận huyện, nhất là các quận Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy được đầu tư theo hướng hiện đại, hình thành một số khu chức năng đặc thù, các công trình dịch vụ phức hợp như: khu phức hợp cao tầng và nhà phố thương mại Vincom Shophouse, khách sạn 5 sao Mường Thanh, khách sạn Ninh Kiều… hệ thống công trình hạ tầng phục vụ cộng đồng của thành phố đã phát huy hiệu quả.

Thành phố Cần Thơ được vinh danh “Cảnh quan đô thị Châu Á 2016” với các công trình như: cầu đi bộ Ninh Kiều, bờ kè công viên dọc theo kè, các tuyến hẻm nội ô được nâng cấp mở rộng hoàn thành theo dự án nâng cấp đô thị. Thành phố cũng đã cơ bản phát triển và đổi mới hạ tầng giao thông cả về đường bộ, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không, nhiều công trình giao thông quan trọng được đầu tư hoàn thành và được đưa vào sử dụng, kết nối lan tỏa, tạo động lực mới cho phát triển, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung và thành phố Cần Thơ nói riêng.

Điển hình như Trung ương và thành phố đã đầu tư và đưa vào sử dụng các công trình mới như: cầu Cần Thơ, Cảng Cái Cui, Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, đường Võ Văn Kiệt, đường Nguyễn Văn Linh, Quốc lộ Nam Sông Hậu, cải tạo nâng cấp Quốc lộ 91, Quốc lộ 91B, cầu Vàm Cống tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi và các cầu trên Quốc lộ 80…

Năm 2020, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị, Cần Thơ đã khoát lên mình chiếc áo mới, đồng thời tiếp tục tăng cường liên kết với các địa phương, phát huy các nguồn lực xã hội để xây dựng và phát triển phù hợp với điều kiện thực tiễn, tạo ra những dấu ấn phát triển đáng tự hào, từng bước trở thành một trong những động lực tăng trưởng của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Thành phố Cần Thơ từng bước trở thành đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội Vùng và liên vận quốc tế. Thành phố đã hoàn thành trước hạn chương trình nông thôn mới và tiếp tục xây dựng các xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Cùng với đó, Cần Thơ đã được vinh danh, nhận Chứng chỉ thành phố không khí sạch ASEAN năm 2017, tiềm năng trở thành thành phố bền vững về môi trường ASEAN lần thứ 3.

Năm 2021, Cần Thơ tiếp tục nhận Giải thưởng các thành phố ASEAN bền vững về môi trường lần thứ 5. Đây là động lực, thúc đẩy Cần Thơ phấn đấu trở thành một trong các thành phố kiểu mẫu của ASEAN trong việc giữ môi trường xanh, sạch. Cần Thơ cũng từng bước khẳng định vai trò trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long về văn hóa, y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ.

Năm 2020, Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 5/8/2020 về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đồng thời khẳng định quan điểm của Đảng về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của Cần Thơ đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

Những quan điểm đó đã giúp đổi mới tư duy và tạo sự thống nhất trong tư tưởng và nhận thức của cả hệ thống chính trị, động viên nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, là sức mạnh tổng hợp mở đường cho việc đưa ra những khâu đột phá, những chương trình trọng điểm, những giải pháp mới và thu hút nguồn lực, cả vật chất và tinh thần nhằm “Xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc văn hóa sông nước vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Đặc biệt, đầu năm 2022, Quốc hội khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 45/2022/QH15 ngày 11/1/2022 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ. Theo đó, thành phố đã tập trung phối hợp với các bộ, ngành Trung ương để cụ thể hóa các chính sách, tập trung nguồn lực, xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo cơ chế thu hút đầu tư, tạo động lực mới cho phát triển thành phố và cả vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Những thành tựu nổi bật

Qua 20 năm xây dựng và phát triển, đến cuối năm 2023, thành phố Cần Thơ đã đạt được những thành tựu nổi bật về kinh tế - xã hội. Tổng sản phẩm trên địa bàn giai đoạn 2004 - 2010 tăng bình quân 15,18%/năm, giai đoạn 2011 - 2023 tăng bình quân 5,64%/năm; tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2011 - 2015 tăng bình quân 5,94%/năm, giai đoạn 2016 - 2019 tăng bình quân 6,9%/năm.

Các năm 2022, 2023, thành phố đã tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương, của Thành ủy để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ kịp thời các đối tượng bị ảnh hưởng của COVID-19, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh khôi phục sản xuất kinh doanh, nhờ đó tình hình kinh tế - xã hội thành phố tiếp tục phục hồi, khởi sắc. Tăng trưởng năm 2022 đạt 12,38% so với năm 2021, năm 2023 tăng 5,75% so với năm 2022.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng: phát triển công nghiệp, thương mại và dịch vụ, giảm tỷ trọng khu vực nông nghiệp, tích cực đẩy mạnh ứng dụng khoa học và kỹ thuật, nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng, hiệu quả. Tỷ trọng khu vực nông nghiệp năm 2004 từ 20,76% giảm xuống còn 9,53% vào năm 2023. Tỷ trọng các khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tăng từ 79,24% (năm 2004) lên 90,47% (năm 2023).

Đến hết năm 2023, giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn đạt 119.271 tỷ đồng, gấp 10,2 lần so với năm 2004, gấp 3,8 lần so với năm 2010; hàng năm đóng góp 1,2% GDP cả nước, đóng góp 9,5% GRDP của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tổng sản phẩm bình quân đầu người toàn thành phố năm 2023 đạt 94,74 triệu đồng, gấp 9,2 lần so với năm 2004; giá trị năng suất lao động đạt từ 24,09 triệu đồng (năm 2004) lên 198,94 triệu đồng (năm 2023), bình quân tăng 11,75%/năm.

Trong lĩnh vực công nghiệp, nếu như năm 2004, giá trị công nghiệp chỉ đạt 6.662,2 tỷ đồng, thì đến năm 2010 đã đạt 19.372 tỷ đồng. Năm 2022, nhờ các biện pháp sản xuất kinh doanh thích ứng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 29,59% so với năm 2021.

Lĩnh vực thương mại của thành phố cũng có mức tăng rất ấn tượng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa của thành phố luôn đứng đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đứng vị trí thứ 3 trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, sau thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội; tăng từ 8.344 tỷ đồng vào năm 2004 lên 107.767 tỷ đồng vào năm 2019, gấp 12,9 lần so với năm 2004, mức tăng bình quân là 19%/năm. Năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và kinh doanh dịch vụ của thành phố đạt 117.443 tỷ đồng, tăng khoảng 12% so với năm 2022…

Trong hoạt động du lịch, giai đoạn 2004 - 2023, thành phố Cần Thơ đón hơn 71 triệu lượt khách đến tham quan, du lịch, tăng bình quân 14%/năm, khách lưu trú đạt hơn 28 triệu lượt, tăng bình quân 16,7%/năm, tổng doanh thu từ du lịch đạt hơn 34 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân 25,5%/năm.

Từ năm 2004 đến năm 2023, thành phố Cần Thơ cũng đã thực hiện cấp mới 125 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký khoảng 2.706 triệu USD. Đến cuối năm 2023, thành phố có 92 dự án đầu tư trong nước đang triển khai thực hiện, tổng diện tích sử dụng đất khoảng 2.000 ha. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội từ năm 2004 đến nay tăng bình quân 11,24%/năm, từ 4.088 tỷ đồng vào năm 2004 lên 30.913 tỷ đồng vào năm 2023.

Đặc biệt, đến cuối năm 2023, thành phố Cần Thơ có 36/36 xã và 4/4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 31/36 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn thành phố Cần Thơ còn 0,21%, là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long…

Có thể nói, sau 20 năm thành lập thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương, nhờ những chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, sự quan tâm của các cấp, các ngành, sự vào cuộc quyết tâm, quyết liệt, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp, nhân dân thành phố, Cần Thơ đã có sự phát triển vượt bậc về các lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội.

Thành phố Cần Thơ giờ đây đang có một diện mạo, vị thế mới. Sự phát triển của thành phố  đóng góp quan trọng vào sự phát triển khu vực đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

Ngọc Thiện (TTXVN)
Thành phố Cần Thơ và Thủ đô Vientiane của Lào đẩy mạnh hợp tác nông nghiệp
Thành phố Cần Thơ và Thủ đô Vientiane của Lào đẩy mạnh hợp tác nông nghiệp

Ngày 14/12, tại Cần Thơ, Đoàn lãnh đạo thành phố do ông Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư Thành ủy dẫn đầu đã hội đàm với Đoàn đại biểu cấp cao Thủ đô Vientiane (Viêng Chăn, Lào), do ông Anouphap Tounalom, Bí thư Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thủ đô Vientiane làm Trưởng đoàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN