Nguy cơ sạt lở ngày càng nghiêm trọng

Không có lũ mang phù sa bồi đắp, miền Tây đang phải đối mặt với sạt lở và sụt lún nghiêm trọng. Người dân ngày ngày sống trong nơm nớp lo sợ bị cuốn trôi bất cứ lúc nào.

Sống trong sợ hãi

Nằm sát quốc lộ 30 là căn nhà lá tuềnh toàng của vợ chồng anh Bùi Văn Ngợi (32 tuổi) ở tại ấp 3, xã An Phong, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp. Trong nhà không có đồ vật gì quý giá ngoài chiếc ti vi cũ. Khi chúng tôi đến, anh Ngợi đang ngồi thẫn thờ trong nhà, còn vợ anh đang lúi húi chuẩn bị bữa trưa. Anh Ngợi cho biết, đây là căn nhà tạm sau khi căn nhà chính đã bị cuốn trôi xuống lòng sông cách đây 10 năm. Gia đình anh đang rất lo lắng vì căn nhà có nguy cơ bị “nuốt chửng” bất cứ lúc nào khi tình trạng sạt lở diễn ra ngày càng nghiêm trọng.

Căn nhà của vợ chồng anh Bùi Văn Ngợi ở tại ấp 3, xã An Phong, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp đang có nguy cơ bị “nuốt chửng”.

“Hai năm gần đây, tốc độ sạt lở rất nhanh, khoảng đất từ vách nhà đến mép sông năm mét giờ chỉ còn hơn một mét. Ban đêm, hai vợ chồng tôi phải thay nhau thức để “canh” vì nhà có thể bị sạt lở bất cứ lúc nào. Con trai tôi 6 tuổi cứ tối là phải gửi lên nhà ông bà nội. Với tình hình này chỉ khoảng hai tuần nữa sẽ sạt đến nhà”, anh Ngợi lo lắng.

Anh Ngợi cho biết thêm, trước đây ở khu này rất đông dân, nhà san sát nhau nhưng vài năm nay, sạt lở ngày càng dữ nên nhà nào có đất ruộng thì chuyển qua đó cất nhà sinh sống, nhà nào không có đất thì đành phải bám trụ lại, bất chấp nguy hiểm. “Vừa rồi tôi có lên hỏi chính quyền xã, mong muốn được chuyển vào cụm, tuyến dân cư vượt lũ cho an toàn nhưng chưa có câu trả lời cuối cùng”, anh Ngợi cho biết.

Chung tình cảnh trên, căn nhà của bà Nguyễn Thị Phần (54 tuổi, phường An Lạc, thị xã Hồng Ngự, Đồng Tháp) ngày càng bị thu nhỏ lại sau những lần chạy... sạt lở. Bà Phần cho biết, trước đây khoảng cách từ mép sông Tiền lên đến đường quốc lộ trên 50 mét, nay sạt lở nên khoảng cách này thu hẹp lại chỉ còn khoảng 18 mét. Sau mỗi lần sạt lở nhà bà lại phải lùi về phía đường, chiều dài căn nhà cũng bị cắt ngắn lại, từ 11 mét nay chỉ còn 6 mét. “Chồng tôi mất sớm, con đi làm ăn xa, chỉ còn một mình ở nhà. Có lần đang đêm nhà rung ầm ầm rồi đất đá sạt xuống sông. Tôi phải chạy đi nhờ hàng xóm qua giúp”, bà Phần kể. Mới đây, bà phải thuê người mua cây, đóng cọc lại chỗ đất mới sạt lở hết 4 triệu đồng. “Tôi có đi làm được gì đâu, ở nhà chăn nuôi, còn lũ thì đi thả lưới nhưng nay không lũ mà càng sạt lở, cơ cực quá. Chỉ mong chính quyền có phương án giải quyết triệt để tình trạng này hoặc đưa tôi về nơi an toàn thì tốt quá”, bà Phần trăn trở.

Tình trạng sạt lở trên cũng là điều lo lắng của rất nhiều địa phương khác như Long An, An Giang, Tiền Giang, Cần Thơ... Theo đánh giá của nhiều địa phương, tình hình sạt lở ngày càng nghiêm trọng, không theo qui luật, xảy ra thường xuyên ở bất kỳ thời gian nào trong năm, đặc biệt trong thời điểm hiện nay, khi không có lũ, không có phù sa bồi đắp.

Đe dọa hệ sinh thái toàn vùng


Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những năm gần đây, mỗi năm tình trạng sạt lở đã khiến 500 ha đất ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bị “nuốt chửng” xuống lòng sông. Thậm chí, sụt lún không chỉ xảy ra trên các sông lớn mà ngay cả các tuyến kênh rạch lớn, nhỏ và diễn ra trong cả mùa khô. Tình trạng sạt lở đã gây tổn thất cho nhiều tỉnh tại ĐBSCL. Theo thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Tháp, năm 2014 tổng diện tích đất bị sạt lở lên đến trên 12 ha, thiệt hại trên 30 tỉ đồng, tăng 5,5 tỉ đồng so với năm 2013. Năm 2015 có 35 xã, phường bị ảnh hưởng với chiều dài bờ sông bị sạt lở hơn 35 km, diện tích đất bị mất hơn 4,5 ha, ước thiệt hại hơn 31 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm nay trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 9 vụ sạt lở bờ sông làm mất hơn 3 ha đất, thiệt hại hơn 10 tỷ đồng.

Đoạn sạt lở bờ sông Tiền qua xã Thường Lạc, thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp.

Theo Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ) tình hình sạt lở ở các tỉnh vùng ĐBSCL sẽ còn nghiêm trọng hơn khi không có nước lũ từ thượng nguồn. Lũ đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành, tồn tại của miền Tây. Không có lũ thì không có phù sa bồi đắp, đồng bằng sẽ bị lún sụp, sạt lở và tan rã dần. “Hiện nay các địa phương đang gánh hậu quả sạt lở. Các nước ở thượng nguồn từ Trung Quốc, Lào và Campuchia xây dựng các đập thủy điện tích trữ nước vào mùa lũ nên cát và phù sa chảy theo dòng nước về hạ nguồn giảm dần khiến các dòng sông sẽ tự bào mòn, xâm thực hai bên bờ để cân bằng dòng chảy. Bên cạnh đó là do tình trạng khai thác cát trái phép khiến thay đổi dòng chảy, dẫn đến sạt lở bờ sông”, Tiến sĩ Tuấn cho biết.

Theo dự báo, nhu cầu sử dụng cát trong tương lai của 13 tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 lên tới khoảng 1.000 triệu m3. Hiện ở 13 địa phương ĐBSCL có khoảng 126 tổ chức, doanh nghiệp được cấp phép khai thác tại các mỏ cát dọc sông Cửu Long. Nhiều chuyên gia môi trường cho rằng với tốc độ khai thác như hiện nay, toàn bộ trữ lượng cát trên sông Tiền, sông Hậu sẽ hết sau 30 năm nữa. Nếu khai thác toàn bộ trữ lượng này mà không xem xét tác động đến môi trường, hậu quả sẽ rất khó lường.

Cũng theo đánh giá của nhiều địa phương, tình hình sạt lở dọc tuyến sông Tiền, sông Hậu diễn biến phức tạp, nghiêm trọng ở nhiều nơi. Theo đó, nhiều hộ dân đứng trước nguy cơ bị sạt lở nhà cửa cần phải di dời khẩn cấp. Tại tỉnh Đồng Tháp, tổng số hộ cư trú tại vùng ngập lụt mới phát sinh và vùng sạt lở nguy hiểm cần đưa vào đối tượng của Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016 - 2020 là 6.120 hộ. Còn tại tỉnh An Giang, khoảng hơn 14.000 hộ dân sống trong vùng sạt lở hiện chưa có đủ nền đất để bố trí di dời. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, các địa phương vùng ĐBSCL vẫn còn nhu cầu đầu tư bổ sung tôn nền 63 cụm tuyến dân cư; 89 bờ bao khu dân cư có sẵn để đảm bảo cho trên 60.950 hộ dân có chỗ ở an toàn, ổn định.
Bài và ảnh: Anh Đức - Thu Trang
Mòn mỏi ngóng lũ miền Tây
Mòn mỏi ngóng lũ miền Tây

Những năm trước vào thời điểm này lũ đã về nhưng năm nay nước mới chỉ về loang loáng mặt ruộng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN