Vụ phá rừng Minh Long (Quảng Ngãi): Lời giải thích có hợp lý?

Sau khi TTXVN đăng phát bài "Rừng phòng hộ đầu nguồn ở Quảng Ngãi tiếp tục bị chặt phá trái phép", trong đó có nội dung hàng loạt cây gỗ lớn có đường kính từ 40-60 cm tại tiểu khu 277, đầu nguồn Thác Trắng, huyện Minh Long bị triệt hạ, nhiều vết cưa còn khá mới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi đã có Công văn số 3014/SNNPTNT- VP ngày 30/9/2021 chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm Quảng Ngãi, Ban Quản lý rừng phòng hộ tỉnh, UBND huyện Minh Long và chính quyền địa phương khẩn trương kiểm tra, xác minh làm rõ việc rừng phòng hộ đầu nguồn Quảng Ngãi tiếp tục bị chặt phá trái phép; báo cáo kết quả thực hiện trước ngày 6/10.

Chú thích ảnh
Nhiều phách gỗ lớn đã bị cưa tại rừng phòng hộ thuộc Tiểu khu 277, đầu nguồn Thác Trắng, huyện Minh Long (Quảng Ngãi). Ảnh: Sỹ Thắng/TTXVN

Theo đó, ngày 1/10/2021, Hạt Kiểm lâm huyện Minh Long đã phối hợp với chính quyền địa phương, chủ rừng tổ chức đi kiểm tra tại hiện trường, xác minh vụ việc báo chí phản ánh và có Báo cáo số 45/BC- HKL về kết quả thực hiện.

Căn cứ theo báo cáo, Hạt đã đi kiểm tra tại một số vị trí. Tại vị trí thứ nhất, đoàn kiểm tra phát hiện 3 cây gỗ bị cưa hạ. Qua đo đạc, đường kính gốc chặt lần lượt là 46 cm, 20 cm và 15 cm; thân cây cong queo, phẩm chất gỗ xấu. Tại vị trí thứ hai, phát hiện 1 gốc có đường kính 27 cm, thân gỗ đã được cưa thành phách có quy cách 350 x 15 x 7 cm. Khu vực này đều thuộc lô 1a, khoảnh 7, tiểu khu 277, xã Long Môn thuộc lâm phần rừng phòng hộ do Trạm Quản lý bảo vệ rừng huyện Minh Long quản lý.

Đáng chú ý, trong Báo cáo có đoạn: "…xung quanh 2 cây gỗ (đường kính 20 và 15 cm) nói trên là cây mây được người dân trồng dưới tán rừng… Đoàn công tác nhận định, việc cưa ngã đổ 2 cây gỗ này với mục đích là để tạo ánh sáng cho cây mây phát triển chứ không với chủ đích là khai thác lấy gỗ".

Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Nguyễn Đại, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi thừa nhận, Nhà nước không có chủ trương cho phép người dân cưa hạ gỗ trong rừng phòng hộ để phục vụ việc trồng mây nhưng thực tế lại có tình trạng này xảy ra.

Điều 55, Luật Lâm nghiệp và Điều 20 Nghị định 156/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định, đối với rừng phòng hộ là rừng tự nhiên, chỉ được khai thác cây gỗ đã chết, cây gãy đổ, cây bị sâu bệnh, cây đứng ở nơi mật độ lớn hơn mật độ quy định và phải có phương án khai thác tận thu gỗ theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đối với khai thác cây đứng ở nơi có mật độ lớn hơn mật độ quy định chỉ thực hiện trong thời gian mở cửa rừng.

Được biết, chủ trương đóng cửa, dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên ở Việt Nam có từ năm 2014. Lúc này, các cơ quan quản lý bắt đầu hạn chế cấp chỉ tiêu khai thác chính gỗ rừng tự nhiên, nghĩa là không còn cấp chỉ tiêu chặt hạ cây rừng để lấy gỗ "nhằm mục đích kinh tế là chính" như trước.

Đến 2017, Việt Nam chấm dứt hoàn toàn cho phép khai thác chính và tận thu gỗ rừng tự nhiên. Đây cũng là năm Ban Bí thư tiếp tục yêu cầu "dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên trên cả nước". Chủ trương này được thể chế hóa tại các Điều 29, 30, 31 và 31 Luật Lâm nghiệp năm 2017 về "đóng, mở cửa rừng tự nhiên".

Về thông tin các đối tượng tham gia phá rừng khá manh động, ngang nhiên dùng xe máy vận chuyển gỗ đi tẩu tán giữa "thanh thiên bạch nhật", Hạt Kiểm lâm huyện Minh Long khẳng định, nguồn gốc gỗ mà người dân vận chuyển đa phần là gỗ bị chết cháy, ngã đổ còn sót lại trên nương rẫy như mít, chôm chôm, bời lời… Còn việc vận chuyển gỗ có nguồn gốc không hợp pháp, Hạt đã phát hiện, ngăn chặn kịp thời, bắt giữ, xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều đó lại khá mâu thuẫn với câu trả lời của Trạm trưởng Trạm Quản lý bảo vệ rừng Minh Long Phạm Đình Tuấn rằng, việc khai thác gỗ lén lút vẫn còn, không phát hiện được người dân vận chuyển gỗ vào thời điểm nào; cũng như video về những gốc gỗ với vết cưa còn khá mới, vẫn chưa được đánh số tại tiểu khu 277 mà nhóm phóng viên ghi lại được cùng hình ảnh trích xuất từ camera do người dân cung cấp.

Không những thế, điều đó còn trái ngược hoàn toàn với sự lý giải của Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Minh Long Trần Văn Cường. Cụ thể, các đối tượng thường xuyên cho người canh gác, báo tin khi thấy bóng dáng của lực lượng chức năng nên Hạt gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực thi nhiệm vụ tuần tra, truy quét, bắt giữ. Đó là, "bằng chứng" chứng minh vụ khai thác gỗ trong rừng phòng hộ chỉ mới xảy ra. Và, phải chăng đang có sự "tiếp tay" cho các đối tượng này?

Như TTXVN đã đưa tin, trong nhiều ngày qua, rừng phòng hộ thuộc Tiểu khu 277, đầu nguồn Thác Trắng, huyện Minh Long (Quảng Ngãi) liên tục bị một số đối tượng lén lút khai thác gỗ trái phép, nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Khu vực này nằm giáp ranh giữa xã Thanh An và xã Long Môn. Phóng viên đã mất hàng giờ đồng hồ vượt dốc cao mới tiếp cận được vị trí các đối tượng chặt phá, cưa hạ gỗ. Hàng loạt cây gỗ lớn có đường kính từ 40-60 cm bị triệt hạ, trong đó có nhiều vết cưa còn khá mới. Đáng chú ý, nhiều cây đã được cưa xẻ thành phách với quy cách 30 x 10 x 500 cm; một số phách khác nằm la liệt ven suối, chưa kịp tuồn ra khỏi rừng.

Phước Ngọc (TTXVN)
Rừng phòng hộ đầu nguồn ở Quảng Ngãi tiếp tục bị chặt phá trái phép
Rừng phòng hộ đầu nguồn ở Quảng Ngãi tiếp tục bị chặt phá trái phép

Trong nhiều ngày qua, rừng phòng hộ thuộc Tiểu khu 277, đầu nguồn Thác Trắng, huyện Minh Long (Quảng Ngãi) liên tục bị một số đối tượng lén lút khai thác gỗ trái phép, nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN